Giải đáp chính sách

Triển khai chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND, về triển khai chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Xin quý báo cho biết, Hà Nội đã có những hành động gì trong triển khai chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP?

(Trần Xuân Tuấn, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND, về triển khai chương trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp được giao chủ trì thực hiện nội dung tăng cường thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tập có khó khăn về tài chính.

UBND các xã, phường, thị trấn, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các tổ chức của người khuyết tật là đơn vị phối hợp tăng cường thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính bằng các hình thức trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Cụ thể, về tư vấn pháp luật: Tăng cường thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật tại xã, phường, thị trấn nơi nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội Người khuyết tật, Hội Người mù, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có yêu cầu.

Trong đó, tăng cường tư vấn chính sách đặc thù dành cho người khuyết tật (quyền được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, chỉnh hình, phục hồi chức năng, trợ cấp xã hội, học tập, học nghề, tạo việc làm, tham gia các hội của người khuyết tật...). Mỗi năm, thực hiện từ 100 đến 120 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở.

Về tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, bảo đảm 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước chủ trì thực hiện nội dung nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và những người thực hiện trợ giúp pháp lý khác các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý phù hợp đối với từng dạng tật và kỹ năng tham gia tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Mỗi năm, tổ chức từ 5 đến 7 cuộc tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Về truyền thông trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính thông qua các hoạt động thích hợp, UBND TP giao Sở Tư pháp TP (Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước) là đơn vị chủ trì. Sở LĐ-TB&XH, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - truyền hình TP, các báo của TP, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức của người khuyết tật là đơn vị phối hợp.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp TP là đơn vị chủ trì trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, TP; đơn vị phối hợp gồm các cơ quan, đơn vị có liên quan.

B.A

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.