Hà Nội:

Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai

Hà Nội luôn xác định rõ, công tác quản lý, bảo vệ đê điều và phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm là trách nhiệm của các địa phương, của toàn dân, toàn xã hội.
Chi cục Thủy Lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội luôn coi việc bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên
Chi cục Thủy Lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội luôn coi việc bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên

Công tác xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong 3 quý tháng đầu năm 2022 nay, toàn TP đã xảy ra tổng số 64 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Các cơ quan chức năng đã xử lý 18 vụ việc vi phạm; trong đó 7 vụ của các năm trước, 11 vụ của 9 tháng đầu năm 2022 (08 vụ xử lý triệt để và 03 vụ xử lý chưa triệt để); số vụ vi phạm của 9 tháng đầu năm 2022 còn tồn đọng là 56.

Để xử lý triệt để các hành vi vi phạm trên, Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hà Nội đã tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội 60 văn bản liên quan đến công tác quản lý, đôn đốc xử lý vi phạm; và tham mưu 81 văn bản khác liên quan đến công tác quản lý đê điều. Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hà Nội đã ban hành 113 văn bản liên quan đến công tác báo cáo, đôn đốc xử lý giải tỏa vi phạm Luật Đê điều và 274 văn bản liên quan đến công tác quản lý đê điều trên địa bàn TP.

Hiện, Hà Nội có tổng số hơn 626km đê được phân cấp, trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng thuộc các quận khu vực nội thành là đê cấp đặc biệt; gần 249,2km đê cấp I; 45km đê cấp II; gần 72,2km đê cấp III; 160km đê cấp IV.

Hai bên tuyến đê sông Hồng được ví như thành trì vững chắc để bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong mùa mưa bão. Trải qua năm tháng, được sự quan tâm đầu tư, tuyến đê này cơ bản bảo đảm phòng, chống lũ theo thiết kế. Song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước sông thường xuyên có sự chênh lệch rất lớn giữa hai mùa (mùa lũ và mùa kiệt), cộng với những tác động của việc điều tiết hồ chứa phía thượng nguồn đã gây ra hiện tượng sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều phía hạ du diễn biến ngày càng phức tạp.

Kiểm tra, phát hiện và xử lý, khắc phục các sự cố…

Trong 3 quý đầu năm 2022, qua công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến công trình đê điều trên các tuyến đê thuộc địa bàn TP xảy ra 38 sự cố (33 sự cố mới, 5 sự cố cũ phát triển), trong đó có: 19 sự cố đê, 13 sự cố kè, 6 sự cố bờ bãi sông. Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ban, ngành kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở, hư hỏng các công trình báo cáo, đề xuất UBND TP công bố tình huống khẩn cấp và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

UBND TP đã công bố tình huống khẩn cấp và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tại 03 khu vực sạt lở nguy hiểm. Các khu vực sạt lở còn lại vẫn đang được theo dõi chặt chẽ, báo cáo diễn biến tình hình sạt lở thường xuyên.

Đánh giá về hệ thống phòng, chống lũ của Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT) Phạm Quang Đông cho biết, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đi qua địa bàn TP đều bảo đảm cao trình chống lũ ở mực nước thiết kế. Các khu vực trọng điểm, xung yếu đê điều được xây dựng phương án riêng để bảo vệ trong mùa mưa lũ.

Có 5 khu vực trọng điểm: Đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); khu vực xảy ra sự cố nứt mặt đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).

Bên cạnh đó, trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, tả Đuống, hữu Đáy, tả Đáy của TP Hà Nội còn 16 điểm xung yếu thuộc địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm, Ứng Hòa, Quốc Oai và các quận Long Biên, Hoàng Mai.

Đã có rất nhiều giải pháp được TP Hà Nội triển khai để xử lý tình trạng sạt lở công trình đê điều, từ việc di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn đến việc triển khai các biện pháp phi công trình và công trình và đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, từ thực trạng công trình đê điều hiện nay và những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão, áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến ngày càng cực đoan, đang đặt ra vấn đề cấp bách trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở của Hà Nội.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay, đơn vị đã phối hợp với các Sở ngành, địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn TP. Dù vậy, để công tác này đạt hiệu quả, ông Chu Phú Mỹ đề nghị chính quyền các địa phương, các đơn vị quản lý nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Song song với các giải pháp của các ngành chức năng trong việc phòng, chống sạt lở công trình đê điều thì cũng đòi hỏi người dân cần tích cực tham gia vào công tác này, đặc biệt là không vi phạm pháp luật về đê điều, lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, góp phần ngăn ngừa nguy cơ sạt lở xảy ra.

Để chủ động công tác phòng, chống thiên tai, TP đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2025".
Tăng cường phòng, chống thiên tai, cháy nổ, trộm cắp ở bảo tàng và di tích
Khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đề điều ứng phó bão NORU
Hà Nội: Đảm bảo an toàn giao thông với Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá
Đề xuất điều chỉnh phương án đảm bảo an toàn giao thông đường Nguyễn Xiển

Hòa Thơm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.