Nỗi lo những “nút thắt cổ chai” khi đường Vành đai 2 ở Hà Nội thông xe

Sau hơn 4 năm triển khai thi công, hơn 5km đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thành và dự kiến thông xe vào đầu năm 2023. Hiện công trình đã hoàn thành khoảng 97% khối lượng công việc.
Đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thành và dự kiến thông xe vào đầu năm 2023. Ảnh: Khánh Huy
Đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy sắp hoàn thành và dự kiến thông xe vào đầu năm 2023. Ảnh: Khánh Huy

Đây là một trong những công trình trọng điểm của Hà Nội với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đi qua 4 quận tại Hà Nội. Dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng dưới thấp. Đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao có chiều dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.

Dự án đường vành đai 2 khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.

Thời gian qua, trục đường từ Ngã Tư Sở đến lối lên cầu Vĩnh Tuy thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Theo kỳ vọng, dự kiến sau khi dự án được thông xe, cảnh tượng này sẽ giảm thiểu.

Tuy nhiên dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 vẫn chưa xong, khiến dư luận lo ngại khi đường Vành đai 2 trên cao thông xe sẽ hình thành nên nút thắt cổ chai, tạo điểm ùn tắc mới. Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hợp phần thi công cuối cùng để hoàn thiện đường Vành đai 2 giảm ùn tắc giao thông Hà Nội, tuy nhiên do đang có tiến độ hoàn thành khác nhau nên dư luận lo ngại khi đường Vành đai 2 trên cao thông xe nhưng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chưa hoàn thành sẽ tạo nên nút thắt cổ chai ùn tắc khổng lồ tại Hà Nội.

Hiện dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (xây thêm 1 cây cầu mới, nằm sát cầu cũ) đang đổ trụ cầu để thi công dầm vượt sông hồng. Với đường và cầu dẫn phía Long Biên theo tiến độ đã đạt trên 90% khối lượng thi công. Nhưng phần thi công trụ và dầm cầu vượt dòng sông chủ (sông Hồng) mới đạt khoảng 30%.

Theo tiến độ, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 giữa năm 2023 mới hợp long, thông xe vào dịp cuối năm 2023. Do vậy, dư luận lo ngại tiến độ đường và cầu không đồng bộ sẽ dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng trên cầu Vĩnh Tuy như lâu nay.

Theo quan sát, cứ vào giờ cao điểm chiều hướng trung tâm Hà Nội đi Long Biên ùn tắc rất lớn. Nguyên nhân ùn tắc là do đường dưới Minh Khai và đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy có đến 4 làn xe, tuy nhiên do vướng công trường thi công nên cầu Vĩnh Tuy chiều trung tâm Hà Nội đi Long Biên chỉ còn rộng hơn 1 làn, tại nút thắt cổ chai, gây ùn tắc kéo dài.

Trước lo ngại cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 hoàn thành chậm hơn đường Vành đai 2 trên cao, việc này gây nguy cơ xảy ra nút thắt cổ chai ùn tắc, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (Ban Giao thông) Hà Nội cho biết, hiện khối lượng thi công các gói thầu ở công trường đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên Ban vẫn đang đốc thúc đẩy nhanh tiến độ dự án, để hợp long trong quý II/2023, vượt tiến độ mốc giữa năm.

Ban Giao thông cho biết, với hàng rào thi công đang gây ùn tắc hiện nay, dự kiến khi đổ xong các trụ cầu ở phía bờ nội thành, nhà thầu sẽ dỡ rào, kịp thời để phục vụ đường Vành đai 2 trên cao thông xe. Theo Ban Giao thông, nếu các đơn vị thi công đảm bảo tiến độ, chậm nhất quý III/2023 cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ thông xe, kết nối đồng bộ, cùng mặt cắt, làn xe với đường Vành đai 2 cả dưới thấp, trên cao, giải tỏa hiệu quả ùn tắc. Cũng theo Ban Giao thông, khi thông xe Vành đai 2 trên cao, các đơn vị có liên quan sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội để có phương án phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý.

Hà Nội đôn đốc triển khai công tác GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Dự kiến hoàn thành cắm mốc giới GPMB Vành đai 4 qua Hà Nội trong tháng 11/2022
Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long

Ban Mai

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.