Dự thảo Luật Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp

Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và ĐVCN

Huy động nguồn lực về tài chính và nhân lực chất lượng cao bảo đảm cho phát triển là vấn đề then chốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQP, AN). Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương định hướng tạo nguồn lực tài chính để đầu tư cho phát triển CNQP, AN.
Huy động nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và ĐVCN
Ban Công đoàn Quốc phòng trao quà tặng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở nhà máy Z173

Nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu

Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã xác định các mục tiêu cụ thể: Tăng mức đầu tư phát triển CNQP; khẩn trương xây dựng hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực, phải xác định cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực tài chính và nhân lực; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho CNQP, lấy nguồn vốn từ NSNN là chính, được bố trí theo chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia và bảo đảm đủ theo kế hoạch đã duyệt; chú trọng và có cơ chế phù hợp để huy động, khai thác các nguồn vốn khác. Pháp lệnh đã có một điều khoản riêng về nguồn vốn đầu tư cho phát triển CNQP; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 02/10/2020 về triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh, trong đó xác định phải kiên trì phấn đấu thực hiện những mục tiêu, phương hướng phát triển CNQP, an ninh.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định “Xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại;... Phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Trong đó, đề ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Công tác tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo thu hút nhân lực phục vụ CNQP, AN là nhân tố cơ bản, cốt lõi để xây dựng và phát triển CNQP, AN góp phần nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng, an ninh của đất nước gắn với xây dựng, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong xây dựng phát triển CNQP, AN như:

Nguồn vốn bảo đảm cho hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển CNQP, AN từ NSNN chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu. Thực tế trong giai đoạn 2011-2020 kinh phí đầu tư vốn NSNN cho CNQP chỉ chiếm khoảng 7,6% NSNN đầu tư của Bộ Quốc phòng và đạt khoảng 56% so với kế hoạch đăng ký; cho CNAN chỉ chiếm khoảng 1,6% NSNN đầu tư của Bộ Công an và đạt khoảng 17,5% so với kế hoạch đăng ký; CNQP, CNAN đã có nhiều Đề án, Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển nhưng chưa được bố trí vốn, một số chương trình chỉ bố trí được một phần vốn kế hoạch đề ra. Việc đầu tư cho CNQP, AN chủ yếu phụ thuộc vào NSNN, trong khi nguồn vốn đầu tư của Chính phủ phần lớn được sử dụng cho đầu tư phát triển, nguồn ngân sách quốc phòng, an ninh chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, đổi mới, nâng cấp VKTB, PTKT.

Về lâu dài, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu từng bước bảo đảm VKTB, PTKT cho lực lượng vũ trang của CNQP, AN, đặc biệt là nghiên cứu, chế tạo, sản xuất được một số loại vũ khí, trang bị, khí tài, PTKT hiện đại có ý nghĩa chiến lược để nâng cao tiềm lực, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Việc huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển CNQP, AN nhằm giảm gánh nặng cho NSNN còn nhiều vướng mắc, bất cập như: Công tác đầu tư tương đối dàn trải, thiếu tập trung, không đồng bộ, thống nhất với mục tiêu phát triển chung của ngành; cơ chế, chính sách hợp tác, liên doanh, liên kết giữa CNQP, AN với các thành phần kinh tế không tạo được sức hút; chưa sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ;….

Các chế độ, chính sách về tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực CNQP, AN và ĐVCN đặc biệt là lao động tay nghề cao, các chuyên gia, cán bộ đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ còn mang nặng tính bình quân, chưa tạo được sức hút. Thu nhập hàng tháng theo kết quả sản xuất kinh doanh của người lao động thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động thuần sản xuất kinh tế, chưa tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động, công việc có tính chất đặc thù, độc hại, nguy hiểm, gây thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao do không bảo đảm tính cạnh tranh.

Chính sách thu hút, thuê chuyên gia nước ngoài của các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN còn một số bất cập, vướng mắc về thủ tục cấp giấy phép lao động; quy trình thẩm định, lựa chọn chuyên gia phức tạp, kéo dài; chi phí thuê chuyên gia cao;… Thực tế số lượng chuyên gia nước ngoài được các cơ sở CNQP nòng cốt chủ động thu hút, tự triển khai các thủ tục thuê theo hợp đồng là rất hạn chế (chuyên gia chủ yếu tham gia theo các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Bộ Quốc phòng).

Với những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, cầntiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động hiệu quả các nguồn lực từ NSNN và nguồn vốn ngoài ngân sách cho xây dựng và phát triển CNQP, AN; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Từ đó, bảo đảm hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng VKTB, PTKT đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân phù hợp với chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời, thích ứng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Một số giải pháp để thu hút nguồn lực cho CNQP, AN:

Mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng, tạo động lực đột phá cho xây dựng và phát triển CNQP, AN, thực hiện ĐVCN theo hướng đổi mới, đồng bộ, hiệu quả. Bảo đảm phân bổ, bố trí vốn từ NSNN đầu tư cho CNQP, AN có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ với mục tiêu chiến lược đề ra; có cơ chế ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư phát triển chomột số lĩnh vực đặc thùCNQP, AN, lĩnh vực “công nghệ cao”.

Giải pháp chính sách quy định rõ việc “bố trí, phân bổ vốn NSNN đầu tư cho CNQP, CNAN cơ cấuthành khoản mục riêng trongtrongdự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương cho Bộ, ngành,đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân” sẽ không làm tăng chiphí NSNNvì không làm ảnh hưởng tới tổng mức chi tiêu được phân bổ choBộ, ngành. Sự khác biệt là chỉ tạo một dòng ngân sách riêng cho phát triển CNQP, AN; với một khoản mục riêng, ngân sách cho đầu tư phát triển CNQP, AN sẽ có tính rõ ràng, ổn định và có tính tiên lượng cao hơn cho kế hoạch phát triển dài hạn. Điều này là yếu tố quan trọng bảo đảm ngân sách và tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dành cho CNQP, AN; các hoạt động đầu tư trong CNQP, AN sẽ có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, ưu tiên cho một số lĩnh vực đặc thù, lĩnh vực “công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài NSNN, vốn vay tín dụng, ưu đãi, huy động tài chính từ các nhà tài trợ, chuyển giao công nghệ,… để triển khai chiến lược quy hoạch, kế hoạch đầu tưphát triển kết hợp với NSNN nhằmbổ sung, tăng cường kinh phí bảo đảm cho CNQP, AN.Việc hình thành Quỹ phát triển CNQP, Quỹ phát triển CNAN để quản lý, tích tụ nguồn lực tài chính từ các nguồn vốn hợp pháp khác nhau sẽ góp phần nâng cao tính chủ động trong triển khai các quy hoạch, kế hoạch đầu tư, đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực tài chính xây dựng và phát triển CNQP, AN, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển CNQP,AN;đồng thời có cơ chế duy trì, phát triển nguồn nhân lực hiện có, đặc biệt là người lao động lành nghề, các cán bộ, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực CNQP, AN.Các chính sách về thu hút, tuyển dụng, tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực sẽ tạo động lực thu hút, gìn giữ, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là lao động lành nghề, cán bộ, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ phục vụ trong lĩnh vực CNQP, AN.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, sản xuất các loại VKTB, PTKT mới, hiện đại, “công nghệ cao”; tạo cơ hội để người lao độngphấn đấu, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, giải phóng sức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động. Bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ tiêu hao sức khỏe góp phần bảo đảm thu nhập, quyền lợi chính đáng, an sinh xã hội, ổn định tâm lý của các đối tượng tham gia hoạt động CNQP, AN.

Xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ phát triển CNQP, AN về nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao theo nguyên tắc các bên cùng được hưởng lợi, sẵn sàng chia sẻ một số bí quyết công nghệ có tính lưỡng dụng. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài NSNN, huy động các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao cho xây dựng và phát triển CNQP, AN theo nguyên tắc các bên cùng được hưởng lợi sẽ góp phần chia sẻ áp lực bảo đảm tài chính của NSNN, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có tính đặc thù CNQP, AN, lĩnh vực “công nghệ cao”.

Huy động vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để phát triển, nghiên cứu, sản xuất, chế tạo một số sản phẩm quốc phòng, lưỡng dụng kỹ thuật, công nghệ cao.Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là Cách mạng về công nghệ quân sự đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới; các chính sách huy động vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hợp tác với các nhà tài trợ nước ngoài để phát triển, nghiên cứu, sản xuất, chế tạo một số sản phẩm quốc phòng,an ninhlưỡng dụng có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ caosẽ tạo điều kiện thuận lợi cho CNQP, AN tiếp cận với các “công nghệ cao”, thành tựu tiên tiến của thế giới.

Từ đó, tạo tiền đề vững chắc để phát triển CNQP bảo đảm VKTBKT hiện đại, vũ khí chiến lược cho lực lượng vũ trang, phát triển CNAN đảm bảo PTKT cho lực lượng Công an Nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác; đồng thời khẳng định vị thế, vai trò dẫn dắt của CNQP, AN; phấn đấu CNQP, AN là mũi nhọn trong quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc gia, từng bước hội nhập với thị trường quốc tế.

Hoàn thiện các chính sách thu hút, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước có kinh nghiệm, trình độ, năng lực chuyên môn cao tham gia một số hoạt động tại các cơ sở CNQP nòng cốt, cơ sở CNAN (như quy trình, thủ tục để thẩm định, miễn giấy phép lao động, chỉ định lựa chọn, trả thù lao đặc biệt theo hợp đồng thuê khoán, miễn giảm một phần các loại thuế, phí).

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.