Gỡ khó về thủ tục thuế, hải quan cho doanh nghiệp

Vừa qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại thường niên với DN năm 2022 nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của DN và tăng cường quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan thuế, hải quan.
Hội nghị đối thoại với DN về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022
Hội nghị đối thoại với DN về thủ tục chính sách thuế, hải quan năm 2022

Tạo môi trường thông thoáng

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đây là năm thứ 17, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị đối thoại với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế, hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của DN. Hội nghị cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng DN trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả cơ quan quản lý và cộng đồng DN.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền, cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ DN, người dân. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, dự kiến thực hiện các giải pháp này trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng. Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ DN, người dân về thuế, phí và lệ phí được áp dụng với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua. Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển... thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân.

Gỡ vướng mắc liên quan đến hóa đơn điện tử

Phản ánh nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý hóa đơn điện tử khi Nghị định 15 có hiệu lực. Theo đại diện Honda Việt Nam, mỗi tháng Cty xuất khoảng 150.000 hóa đơn điện tử. Các hóa đơn này liên quan nhiều hệ thống khác của DN như quản trị sản xuất, đại lý, mua hàng. Khi Nghị định 15 có hiệu lực, một số mặt hàng có thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% và DN không thể điều chỉnh ngay. Hiện Honda Việt Nam có khoảng 260.000 hóa đơn chưa điều chỉnh. Trả lời kiến nghị của Honda Việt Nam, Phó Tổng cục Thuế ông Vũ Chí Hùng cho biết, căn cứ theo quy định về xử lý hóa đơn sai sót, DN tự điều chỉnh, kê khai. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho DN, ông Vũ Chí Hùng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) phối hợp với Cục Thuế Vĩnh Phúc cùng Honda Việt Nam nhanh chóng có phương án xử lý dứt điểm.

Đại diện Cty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội kiến nghị Tổng cục Thuế xây dựng công cụ để nhận biết hóa đơn điện tử của DN có thực hiện đầy đủ chính sách hay không, bởi trên thực tế, nhiều DN gặp phải trường hợp DN chỉ biết hóa đơn của bên bán không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra. Trả lời vấn đề này Tổng cục Thuế cho rằng, thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hơn nữa để phù hợp xu thế phát triển của DN.

Trả lời câu hỏi của Cty CP Xuất nhập khẩu và Dịch vụ tổng hợp Nghệ An liên quan đến việc hoàn thuế xuất khẩu nói chung và hoàn thuế xuất khẩu tinh bột sắn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, các DN được hoàn thuế VAT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế VAT theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Nghệ An phối hợp và làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm rõ các nội dung liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Căn cứ trên kết quả xác minh, trả lời của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trường hợp nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện hoàn thuế.

Chia sẻ về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong thời gian tới, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cũng cho rằng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, áp lực lạm phát tăng cao... ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Về phía Bộ Tài chính, sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Tổng cục Hải quan đề nghị các Cục Hải quan tỉnh, TP thực hiện tổ chức đối thoại với DN có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn từ đó nắm bắt các vụ việc phát sinh vướng mắc của DN thuộc thẩm quyền quản lý đã được giải quyết và chưa được giải quyết. Các đơn vị cần chủ động rà soát, kiểm tra lại các nội dung vướng mắc, phát sinh tại đơn vị mình, đề xuất phương án giải quyết trước, trong và sau hội nghị.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó về tài chính để phục hồi
Hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Điều chỉnh tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.