Argentina mất oan bàn thắng vì VAR?

ĐT Argentina đã 3 lần sút tung lưới Ả Rập Xê Út trong hiệp 1 nhưng chỉ một lần được ăn mừng bàn thắng. Hai lần còn lại với những pha dứt điểm của Messi và Lautaro Martinez, trọng tài đều từ chối công nhận sau khi tham khảo các công nghệ mới tại World Cup 2022.
Martinez có thể sẽ không việt vị nếu chưa có công nghệ bán tự động
Martinez có thể sẽ không việt vị nếu chưa có công nghệ bán tự động

Cú sốc đầu tiên tại World Cup 2022 đã xảy ra khi ứng cử viên vô địch Argentina gục ngã 1-2 trước đại diện châu Á Ả Rập Xê Út.

Nửa đầu trận đấu giữa Argentina và Ả Rập Xê Út ở bảng D World Cup 2022 là màn trình diễn của VAR và công nghệ bắt việt vị bán tự động. Đội tuyển Argentina 4 lần làm tung lưới Ả Rập Xê Út nhưng chỉ được tính một bàn thắng.

Lionel Messi và đồng đội khởi đầu hành trình World Cup 2022 bằng một quả phạt đền khi trận đấu diễn ra chưa đầy 10 phút - với sự trợ giúp của VAR. Siêu sao mang áo số 10 dễ dàng đánh lừa thủ môn đối phương bằng cú sút nhẹ từ khoảng cách 11 mét.

Argentina chơi bóng chậm rãi, kiểm soát hoàn toàn thế trận sau khi có bàn mở tỉ số. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út thực hiện chiến thuật mạo hiểm khi dâng cao hàng phòng ngự. Argentina khai thác liên tục khoảng trống phía sau các hậu vệ của đội bóng châu Á và thêm 3 lần làm tung lưới đối phương.

Tuy nhiên, trọng tài, VAR và công nghệ liên tục cứu Ả Rập Xê Út thoát bàn thua. Trong cả 3 tình huống kể trên, cầu thủ Argentina (Messi một lần, Lautaro Martinez 2 lần) đều bị phạt việt vị.

Tình huống Argentina bị từ chối bàn thắng sau pha bắt việt vị gây tranh cãi (Ảnh chụp màn hình)
Tình huống Argentina bị từ chối bàn thắng sau pha bắt việt vị gây tranh cãi (Ảnh chụp màn hình)

Theo đó, công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) của FIFA xác định phần tay áo của Martinez nhô cao hơn so với cầu thủ đối phương. Điều đáng nói ở đây là cả hai chân của tiền đạo Argentina vẫn đứng trên hậu vệ Ả Rập Xê Út.

Quy định bắt lỗi việt vị của FIFA có ghi rõ, một cầu thủ đang ở trong tư thế việt vị nếu bất kỳ bộ phận cơ thể nào của họ, ngoại trừ tay và cánh tay, ở trong nửa sân của đối thủ và gần vạch đích của đối thủ hơn cả bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ hai (không nhất thiết phải là thủ môn).

Trong trường hợp này, dường như các trọng tài VAR đã mắc sai sót khi bắt lỗi việt vị Lautaro Martinez, khiến Argentina mất oan một bàn thắng hợp lệ.

Cây viết Rory Smith (New York Times) cũng bất ngờ trước tình huống Martinez bị thổi việt vị: "Ngay cả khi công nghệ 3D chiếu lại tình huống đó và lý giải việc Martinez việt vị, tôi cũng thấy pha bóng đó không rõ ràng. Điều tôi muốn nói là công nghệ đã cho rằng cầu thủ việt vị vì phần cơ thể nào? Vì ống tay áo chăng".

Lautaro Martinez hai lần làm rung mành lưới Saudi Arabia nhưng đều ăn mừng... hụt.
Lautaro Martinez hai lần làm rung mành lưới Saudi Arabia nhưng đều ăn mừng... hụt.

Tại World Cup 2022, FIFA sử dụng hoàn toàn công nghệ 3D để xác định lỗi việt vị của cầu thủ. 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở từng sân, cũng như thiết bị được gắn vào quả bóng sẽ xác định các tình huống. Sau đó, tổ trọng tài VAR sẽ tiếp tục thực hiện thêm thao tác kiểm tra thủ công.

World Cup 2022 áp dụng luật việt vị của Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB). Theo luật thứ 11 của IFAB, cầu thủ ở trong thế việt vị khi bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở bên phần sân đối phương; hoặc bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở gần với vạch vôi khung thành hơn là trái bóng và cầu thủ đứng thấp thứ nhì của đối phương.

TQ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.