Bài học cho những “nhân viên tài chính” bất chấp thủ đoạn

Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự CA TP HCM cho biết một bộ phận nhân viên Cty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset không chỉ đòi nợ mà còn cắt, ghép dán hình người thân, đồng nghiệp gửi tới gia đình, hàng xóm, Cty để uy hiếp. Điều này dẫn tới người thân, lãnh đạo Cty khách vay tiền của nhóm sợ hãi, gây hoang mang. Đây là biến tướng của tín dụng đen trong thời đại công nghệ số.
Cảnh sát khám xét tại văn phòng Cty Tài chính Mirae Asset
Cảnh sát khám xét tại văn phòng Cty Tài chính Mirae Asset

Khủng bố con nợ bằng nhiều hình thức

CA TP HCM vừa khởi tố, bắt tạm giam 13 người thuộc Cty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset để điều tra hành vi vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự. Cty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset có trụ sở tại đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP HCM.

Trước đó, Cơ quan điều tra CA TP HCM phát hiện một số Cty thu hồi nợ sử dụng phương thức gọi điện đe dọa, chửi bới người chậm trả tiền vay; dùng mạng xã hội khủng bố tinh thần bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân...

Ngày 4/11/2022, các đơn vị nghiệp vụ của CA TP HCM kiểm tra hành chính văn phòng Cty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset. Cơ quan CA xác định, Cty Tài chính TNHH MTV Asset Việt Nam là Cty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam do L.J (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng giám đốc. Cty này được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng cho vay, trong đó bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.

Khách hàng vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký hợp đồng vay với Cty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng. Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ.

Theo đó, đối với nhóm nợ từ 1 ngày - 89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng. Đối với nhóm nợ từ 90 - 179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm nhưng điện thoại, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.

Còn với nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm A, B), nhân viên Cty sẽ sử dụng diện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... Sau đó gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Qua quá trình đấu tranh, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người thuộc Cty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset để điều tra về hành vi “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.

Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó phòng Cảnh sát hình sự CA TP HCM, cho biết, khi khách hàng vay tiền qua app, thì phải cung cấp 5-10 số điện thoại của người thân. Khi khách không trả, nhân viên sử dụng sim rác, lập các Facebook ảo, sau đó cắt ghép hình ảnh bôi nhọ vu khống không đúng sự thật.

Thậm chí, nhóm nhắc nợ lần theo các Facebook của khách hàng để tìm Facebook của người thân, lãnh đạo Cty của khách hàng. Sau đó, nhóm này đăng tải, bình luận kèm theo hình ảnh phản cảm, không đúng sự thật. Ngoài ra, việc các nhân viên hưởng lợi nhuận 30% trên tổng số tiền đòi nợ được khiến họ bất chấp thủ đoạn để đòi bằng được tiền của khách hàng. Cùng với đó, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự CA TP HCM cho biết lãnh đạo Cty còn có dấu hiệu làm ngơ để nhân viên sử dụng các thủ đoạn để đòi nợ.

Thống kê của Cục CSHS cho thấy, trong vòng 3 năm qua (từ ngày 15/4/2019-14/5/2022), CA các đơn vị, địa phương đã phát hiện, khởi tố 1.575 vụ với 3.399 bị can. Phần lớn trong các vụ án đã được phát hiện, xử lý về các đối tượng, cá nhân, băng ổ nhóm hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu truyền thống. Qua điều tra, các đối tượng hoạt động trong thời gian dài, có nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia băng, ổ nhóm cho hàng trăm người vay chỉ với số tiền hàng tỷ đồng nhưng thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Có đối tượng thành lập doanh nghiệp để hoạt động núp bóng dưới hình thức cầm đồ online.

Một số bộ phận các hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân do không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng hoặc lo ngại các vấn đề về thủ tục vay tiền từ ngân hàng đã tìm đến các cơ sở, tổ chức tín dụng cho vay dưới dạng "tín dụng đen".

Sự khó khăn về tình hình kinh tế cộng với lãi suất cao làm cho người vay nợ không thể trả được nợ liên tục xảy ra. Sự đứt gãy của chuỗi vay-trả khiến tình trạng này dẫn đến những hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT trên địa bàn và đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh túng quẫn nợ nần chồng chất. Nhiều người, gia đình đã phải bán nhà để cầm cố trả nợ những đối tượng cho vay với lãi suất cắt cổ.

Thực trạng công tác quản lý Nhà nước, các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen thời gian đó vẫn còn nhiều bất cập. Các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp thành lập những Cty tài chính, cơ sở mua bán, trao đổi ôtô, xe máy, mua bán sim thẻ… nhằm tránh sự chú ý của cơ quan CA.

Qua vụ việc tại Cty Tài chính Mirae Asset, CA khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các app ứng dụng trên mạng xã hội. Nếu có nhu cầu, người dân nên vay ở các tổ chức tín dụng mà Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, người lao động làm ở những Cty tài chính phải nhận thức được các hành vi vi phạm pháp luật. Các nhân viên tuyệt đối không được sử dụng hình ảnh nhạy cảm của khách hàng để gây sức ép, nếu CA phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tuyển cộng tác viên cho sàn điện tử
Thu lợi bất chính số tiền lớn nhưng chế tài còn nhẹ

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.