Đưa Tết về Chiềng Cọ

(PL&XH) - Đã 25 Tết nhưng nhiều gia đình ở xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, Tết vẫn đang ở trên rừng, ngoài chợ mà chưa đưa về được nhà. Bởi thế khi xã thông báo đến nhận quà Tết của Trung tâm bảo trợ từ thiện Hưng Tiến cùng báo Pháp luật và Xã hội tổ chức, họ ngỡ ngàng khi Tết đang ở trên tay mình…

Khi tờ báo Tết được in ra, cán bộ, PV báo PL&XH mới có chút thời gian thư thả uống trà, đọc từng trang viết và nhớ lại một năm tất bật. Tuy nhiên, những khoảnh khắc đó cũng trôi thật nhanh bởi những công việc ngoài trang viết vẫn còn bề bộn.

unnamed

25 Tết, trong khi Tổng biên tập Nguyễn Văn Bình cùng cán bộ, PV của báo tham gia đoàn do TS Trần Thị Quốc Khánh, ĐBQH trưởng đoàn đến thăm và tặng quà Tết tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 2, huyện Ứng Hòa, Hà Nội thì một bộ phận PV khác do Phó tổng biên tập Nguyễn Thái Bình chỉ đạo hối hả ngược Sơn La cùng Trung tâm bảo trợ từ thiện Hưng Tiến đem quà Tết tặng bà con xã Chiềng Cọ.

unnamed
Anh Nguyễn Hưng Tiến tặng quà cho bà con xã Chiềng Cọ

100 suất quà gồm 200 cái bánh chưng, 100kg giò lợn, 100kg mỳ chính, 100 chai dầu ăn, 100 hộp mứt, 300 gói bột canh và 300 hộp bánh kẹo đã được đóng gói gọn gàng. Hơn 22h, chuyến xe xuyên đêm chạy về Chiềng Cọ.

Cả đêm, dường như các thành viên trong đoàn không ai ngủ, những câu chuyện về Tết, về nhân tình thế thái cứ mải miết từ ký ức trôi về. Giám đốc Trung tâm bảo trợ từ thiện Hưng Tiến - Nguyễn Hưng Tiến tuổi Đinh tỵ, năm nay 40 tuổi kể về những cái Tết tuổi thơ nằm bẹp ở nhà vì không có manh áo mới. Những cái Tết không dám ló mặt ra đường… Bởi thế từ 3 năm nay khi điều kiện kinh tế của gia đình ổn định, anh thành lập ra Trung tâm này để “giúp được cho càng nhiều người nghèo càng tốt”.

unnamed
Đại diện báo PL&XH tặng quà

Gọi là Trung tâm bảo trợ từ thiện nên nhiều người nghĩ anh sẽ đi “gom” tiền của mọi người để làm từ thiện. Nhưng không, 3 năm qua anh Nguyễn Hưng Tiến toàn lấy tiền nhà (mỗi năm vài trăm triệu) đi làm từ thiện. Sơn La, Cao Bằng, Quảng Bình…đoàn đã đến. Anh Tiến nhớ mãi chuyến đi từ thiện ở Cao Bằng khi cả đoàn phải đi bộ 4 km đường núi đến bản trao quà. Đến nơi trong đoàn ai cũng quặn lòng nghĩ sao bây giờ đất nước mình vẫn còn có những nơi nghèo khổ thế? Và anh Tiến đang mong muốn sẽ xây tặng ở nơi này một ngôi trường.

unnamed
Đoàn thiện nguyện chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo xã Chiềng Cọ

Thành lập Trung tâm để việc liên hệ trao quà được…chính quy hơn, ấy vậy mà có những lúc lại vô cùng mệt mỏi. Có lần liên hệ với Phòng Lao động thương binh xã hội một huyện, họ đùn đẩy hết bảo gọi cho người này, người này lại bảo gọi cho người kia. Dường như họ sợ khi đoàn đến phải dẫn đoàn đi vùng sâu, vùng xa mất thời gian, mệt người.

Năm vừa rồi khi miền Trung oằn mình trong lũ, anh Tiến liên hệ với một xã mong muốn đem hơn 10 tấn gạo, 1.000 thùng mỳ tôm và những thứ khác tặng (gần 200 triệu đồng). Chủ tịch xã nói gạo và mỳ tôm đồng bào được các đoàn tặng nhiều rồi, cứ “quy” ra tiền chuyển đến xã để xã phát cho bà con.

Nghe ông Chủ tịch trả lời mà buồn, mà uất. Những người làm từ thiện đâu phải là ngân hàng để ấn lệnh chuyển tiền là xong. Họ muốn đến, muốn trao tận tay quà cho bà con, muốn sẻ chia những đau thương mất mát cùng bà con. Và bà con đâu chỉ muốn cầm trên tay gói quà, họ cũng muốn nhìn tận mắt những người đã ở bên họ trong lúc hoạn nạn, khó khăn…

5h sáng, đoàn đến TP Sơn La, chị Hà Mai Phương, PV Đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan thường trú Tây Bắc, người kết nối đoàn với Chiềng Cọ đã có mặt. Chị Phương bảo, hôm nay đúng ngày chợ phiên Muổi Nọi, phiên chợ một tuần họp một lần nên bà con sẽ đi chợ, phải tầm 9h bà con mới đến nhận quà. Vậy là cả đoàn đi chợ phiên.

Phiên chợ 25 Tết mà vắng người, tập trung đông nhất không phải ở hàng bánh kẹo, quần áo mà là khu bán lợn gà. Những con lợn, gà ngon từ các bản đưa ra đều được khách mua chuyển về xuôi làm quà biếu.

9h, chúng tôi đến Chiềng Cọ. Chị Mai Phương đã nhầm, bà con đã đến đây rất sớm. Bà Tòng Thị Bó, Bí thư đảng ủy xã Chiềng Cọ cho biết, từ trước đến nay, đây là đoàn thiện nguyện đầu tiên đến tặng bà con quà Tết nên bà con vô cùng phấn khởi.

Chiềng Cọ có 8 bản, 1024 hộ, 4870 nhân khẩu, thu nhập chính từ trồng trọt, với 800 ha cà phê trồng xen mận tam hoa. Nhưng cà phê thì bị sương muối thiêu chết, mận tam hoa được mùa thì rớt giá, đời sống bà con cứ bấp bênh như cây cầu bắc qua suối.

Hỏi chị Vi Thị Lanh ở bản Ót Luông, đã chuẩn bị Tết được nhiều chưa? Chị Lanh bảo, Tết vẫn ở trên rừng, ngoài chợ không đem về nhà được. Người phụ nữ Thái có 4 đứa con giọng nghèn nghẹn kể về cái ngày đớn đau cách đây 13 năm trước khi chồng chị là anh Đường Văn Kiểm, trưởng bản Ót Luông trong khi đi xẻ rãnh bị sạt đất và chết. Kể từ đó mỗi khi Tết đến, đào nở rực trên rừng, chị cũng không muốn chặt đêm về. Chị và 4 đứa con cứ vật vã làm lụng mà vẫn không đủ ăn.

Chiềng Cọ sau mấy ngày lạnh buốt chợt bừng nắng. 100 suất quà đoàn thiện nguyện đã được trao tận tay cho các hộ nghèo, những người tàn tật. Họ không biết trong đoàn có những thành viên từng trải qua những cái Tết không Tết. Họ không biết những người con của Thủ đô rửa từng chiếc lá, đãi từng cân gạo, ngồi gói 200 chiếc bánh chưng và vượt hơn 300 km xuyên đêm để đến với mình. Nhưng chắc chắn họ cảm nhận được hương vị Tết trên tay, họ thấy được những lúc khó khăn vẫn còn có những người xa lạ ở bên mình.

Rời Chiềng Cọ về Thủ đô, dọc 2 bên đường những cành đào rừng đã nở tưng bừng. Tết đã đến rất gần. Hỏi Nguyễn Hưng Tiến mấy ngày còn lại của năm cũ sẽ làm gì, anh cười: Còn đi gửi quà cho 30 thân phận neo đơn, bị chất độc da cam (Trung tâm hàng tháng biếu mỗi người 300- 500 ngàn). Và đêm 30 Tết là cả gia đình ra đường đem chăn, bánh kẹo cho những người đang nằm co ro dưới gầm cầu hay góc khuất của những con phố…

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động của đoàn:

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

unnamed

Hùng Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.