Làm thế nào để hạn chế thầy cô xin nghỉ việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế?

Các thầy cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết đã không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn dạy các em làm người, và hơn nữa còn là những tấm gương tiêu biểu để cho các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Thầy giáo Kim Thành Phong, Trường THPT Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).
Thầy giáo Kim Thành Phong, Trường THPT Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh).

Gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hẳn nhiều người không khỏi bùi ngùi khi lắng nghe tâm sự của một thầy giáo đã nhiều năm gắn bó với đồng bào Khmer, thầy giáo Kim Thành Phong, Trường THPT Trà Cú (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022, thầy đã thẳng thắn trao đổi về những thiếu thốn, bất cập liên quan cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục. Thầy giáo trẻ chia sẻ về ba ước mơ giản dị: phòng học, bàn ghế được cải tạo, thay mới; có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ để thiếu nhi dân tộc thiểu số tập trung vào học tập; có nguồn ngân sách giúp đỡ giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa.

“Mức lương hiện nay khiến nhiều giáo viên trẻ chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân, không thể nói tới việc nuôi sống gia đình, chăm lo cho con cái đi học. Tôi không mong mỏi được tăng lương, mà chỉ cần chính sách hỗ trợ để giáo viên trẻ an tâm giảng dạy, hạn chế tình trạng thời gian qua có nhiều thầy, cô giáo xin nghỉ việc vì không tự bảo đảm được cuộc sống” - thầy giáo Kim Thành Phong nói.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, Trường THPT chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cho hay, hiện có nhiều giáo viên gặp khó trong sử dụng công nghệ thông tin để dạy học vì điều kiện cơ sở vật chất, mạng internet ở vùng cao còn không ít hạn chế. Thầy giáo từ Phú Thọ đề nghị ngành giáo dục và các bộ, ngành có thêm hỗ trợ nhất định nhằm tăng cường công tác chuyển đổi số ở vùng cao.

Có những thầy cô giáo dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã có những nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác; nhiều giáo viên có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế.

Hơn thế nữa, có nhiều thầy cô đang vượt qua hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để bám trụ gieo con chữ ở những khu vực khó khăn nhất; có thầy, cô đã từ bỏ những con đường bằng phẳng để đến với những khu vực xa xôi - những nơi mà cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, không có điện, sóng điện thoại.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo dục trước hết là để phát triển con người, là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, giáo dục nước nhà đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có được những thành tựu đó, là nhờ công sức, sự phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ của các thầy, cô giáo trên mọi miền tổ quốc. Các thầy, cô là những tấm gương về tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, tận tụy với học sinh.

Được biết, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã rất nhiều lần có ý kiến và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học của các trường ở địa phương. Cùng với đó là chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, chắc chắn đợt tới, lương giáo viên sẽ tăng theo hướng tăng mức lương cơ bản chung của toàn quốc, liên quan đến chế độ khen thưởng sẽ linh hoạt theo từng địa phương, tiêu chí thi đua phải ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản.

Hi vọng sẽ có thêm thật nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng giáo viên để các thầy cô an tâm giảng dạy, hạn chế thầy cô xin nghỉ việc vì không đảm bảo điều kiện kinh tế.

Ban Mai

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.