Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)

Phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ được đưa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Trong phiên họp thảo luận về Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) chiều ngày 10/11, các đại biểu hầu hết quan tâm đến việc xử lí các hàng hoá khuyết tật (lỗi) gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người tiêu dùng và việc đưa thông tin sai sự thật về hàng hoá…
Phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ được đưa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái phát biểu góp ý vào Dự thảo

Xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương

Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm việc tổ chức đứng ra đại diện cho nhiều người tiêu dùng. Từ đó nếu xảy ra trường hợp các nhà cung cấp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra tổn hại lớn trên quy mô rộng với nhiều người tiêu dùng. Do vậy, nếu chỉ định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân mà không bao gồm tổ chức sẽ không đảm bảo sự điều chỉnh bao quát đối với những vấn đề xảy ra trong thực tiễn.

Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS… Do vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.

Cùng có ý kiến với Đại biểu Triệu Thị Huyền, Đại biểu Trần Văn Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng cần làm rõ tiêu chí người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương không chỉ tổn hại về sức khỏe, tinh thần mà còn những những yếu tố khác.

Tại Khoản 1, Điều 7 của dự án luật xác định người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Quy định trên chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu.

Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, bổ sung đầy đủ, bảo đảm bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu ngoài sức bất lợi về sức khỏe và bất lợi về tài sản hoặc sửa lại quy định trên để có khái niệm một cách bao quát như sau: Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Trong Dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo. Việc dự thảo luật xác định 5 nhóm đối tượng trên chủ yếu mang tính liệt kê, chưa thể hiện rõ dựa trên tiêu chí nào, cơ sở nào xác định. Vì thế, có thể chưa đầy đủ, chưa bao quát hết, dễ dẫn đến việc bỏ sót đối tượng, không có chính sách, biện pháp phù hợp để bảo vệ những đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể.

Vì vậy, thay vì liệt kê 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương cụ thể nêu trên thì dự thảo luật cần xác định rõ những tiêu chí mà trong đó có 4 tiêu chí cơ bản là tiêu chí về nhận thức, hiểu biết, tiêu chí về sức khỏe, tiêu chí về điều kiện kinh tế và tiêu chí về điều kiện nơi sinh sống để trên cơ sở đó quy định 4 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương và 4 nhóm này cũng chỉ có tính định hướng chung, bao gồm nhóm những người có nhận thức, hiểu biết, hạn chế hai nhóm người bị bệnh tật, khuyết tật, nhóm người nghèo, người có thu nhập thấp, nhóm những người sinh sống và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội nhiều khó khăn.

Đồng thời, cần có quy định về các biện pháp có tính đặc thù nhằm bảo vệ quyền lợi dạ đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Tình trạng ngoại ngữ hóa gây khó khăn cho người tiêu dùng

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, thực tế có trường hợp hàng hóa có nhãn mác hay dịch vụ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, dẫn đến người tiêu dùng không đọc được hướng dẫn sử dụng, sử dụng sai công năng. Hoặc tình trạng ngoại ngữ hóa, tây hóa tại các cửa hàng tại Việt Nam, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Do đó, cần bổ sung nguyên tắc về ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Việt.

Phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ được đưa vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu cho rằng hầu hết quyền lợi của người tiêu dùng bị thiệt hại là do tổ chức kinh doanh, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, thực tế nhiều trường hợp chất lượng sản phẩm, dịch vụ bị ảnh hưởng là do người tiêu dùng khác gây ra. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào luật là cấm lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng khác và người tiêu dùng có quyền yêu cầu các tổ chức kinh doanh dừng các hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình; tổ chức kinh doanh có quyền được dừng hoặc từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, còn có những trường hợp quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhưng chưa được dự thảo Luật đề cập đến như việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trong trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng không có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà bắt buộc phải sở hữu sự sử dụng các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đó. Vì thế, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc can thiệp và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Việc xem xét bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trước những thông tin mình đưa ra và nếu để xảy ra thiệt hại đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh từ việc đưa thông tin sai sự thật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Quy định như vậy sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm, dịch vụ.

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.