Nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để góp phần phòng ngừa vi phạm

Ngày 8/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022.
Nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để góp phần phòng ngừa vi phạm
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo tại phiên họp

Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, huyện chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết các vụ án

Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát trở lại trong 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh, chính trị được đảm bảo nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 66.844 vụ án hình sự, giảm 8,9% so với năm 2021. Trong đó, đã phát hiện, xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực chứng khoán với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm 13,9%, tội phạm về TTXH giảm 8,9%; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, tổ chức đánh bạc và tội phạm ma tuý xảy ra nhiều với quy mô rất lớn.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất, 37,3%; đáng lưu ý, một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Toàn ngành đã kiểm sát vụ việc thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm: 8.845 vụ án hành chính (tăng 9,4%); 393.908 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (giảm 3,7%). Nội dung các vụ việc hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai; các vụ việc khác liên quan đến hợp đồng vay tài sản, quyền sử dụng đất, hôn nhân và gia đình…

Theo đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị, công tác năm 2022 với 04 mục tiêu lớn, 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy VKS các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả… xác định chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành, chỉ đạo tập trung kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng, tiêu cực; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên toà; thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, “án tại hồ sơ”; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó. Cẩn trọng, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho người vi phạm khắc phục hậu quả (theo quy định của pháp luật).

Đồng thời chỉ đạo ban hành các quy chế, quy định, quy trình về nghiệp vụ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên sâu. Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND Tối cao, Viện trưởng VKS các cấp tăng cường kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan để phòng ngừa vi phạm, tội phạm; nâng cao chất lượng kháng nghị, đảm bảo chặt chẽ, có cơ sở thuyết phục, không chạy theo số lượng kháng nghị.

Bên cạnh đó, yêu cầu các Viện trưởng Viện KSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện phải trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả công tác giải quyết các vụ án, vụ việc hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại…

Chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát Nhân dân. Tăng cường hợp tác song phương và đa phương…

Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự và kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được HĐXX chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội

Theo đó, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 123.218 nguồn tin về tội phạm; ban hành 92.551 văn bản yêu cầu CQĐT kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 0,2%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.268 cuộc tại CQĐT (tăng 13,8%)… Yêu cầu khởi tố 481 vụ án, ra quyết định huỷ 64 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật. Trực tiếp ra 08 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu CQĐT tiến hành điều tra.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 97.562 vụ/155.093 bị can (tăng 0,2% số bị can). Ban hành 67.744 yêu cầu điều tra. Trực tiếp lấy lời khai 34.417 người. Trực tiếp hỏi cung 25.813 bị can, không phê chuẩn 394 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; huỷ 507 quyết định tạm giữ, 22 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật của CQĐT; số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội dnah đạt 99,99% (vượt 4,99%).

Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 79.246 vụ/151.882 bị cáo (tăng 4,5% về số vụ, 11,9% về số bị cáo). Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện nhiều vi phạm và đã ban hành 724 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỉ lệ 76% (vượt 06%); ban hành 142 kháng nghị Giám đốc thẩm, tái thẩm, được HĐXX chấp nhận 77,8% (vượt 2,8%)

Công tác của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm thuộc thẩm quyền đạt 75,5% (vượt 5,5%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 82,6% (tăng 23% so với cùng kì và vượt 22,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra truy tố xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã thu hồi gần 9.300 tỷ đồng.

Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Toàn ngành đã kiểm sát giải quyết 8.845 vụ án hành chính sơ thẩm, (tăng 9,4%); kiểm sát giải quyết 393.908 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động theo thủ tục sơ thẩm.

Số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm ám dân sự và kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; đã ban hành 14.029 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm (tăng 3,4%). Chất lượng kháng nghị được đảm bảo, tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 98,7% (vượt 18,7% so với chỉ tiêu của Quốc hội) .

Ngành Kiểm sát đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và đã được Quốc hội thông qua; chủ trì, phối hợp với một số Bộ, ngành xây dựng 11 thông tư liên tịch, 23 nghị quyết, thông tư hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự…

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số trường hợp CQĐT, VKS phải đình chỉ bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, Toà án tuyên bị cáo không phạm tội; một số chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết của Quốc hội như: Tỷ lệ giải quyết tố giác; tin báo về tội phạm của CQĐT VKSND Tối cao, tỉ lệ kháng nghị được chấp nhận đối với kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự.

Dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, nhất là đối với một số loại tội phạm mới phát hiện, khởi tố, điều tra liên quan tới thị trường chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… nhưng quy định của pháp luật còn một số bấp cập; khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng, nhất là liên quan đến đất đai, các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều…

Nhận thức đối với một số quy định các các đạo luật về tư pháp còn chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có những quy định về trách nhiệm rất chặt chẽ đang là thách thức lớn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là trách nhiệm của Viện KSND.

Hiện nay, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bô luật Tố tụng hình sự năm 2021 thì Công an cấp xã được thực hiện một số hoạt động tron giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm nhưng bộ máy ngành Kiểm sát chỉ bố trí đến 705 đơn vị hành chính cấp huyện, phát sinh thêm nhiệm vụ trên địa bàn hơn 10.000 công an cấp xã sẽ là áp lực lớn đối với ngành Kiểm sát.

Viện KSND Tối cao cũng kiến nghị Quốc hội xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung, đồng thời tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng thất thoát; đảm bảo hiệu quả phòng chống tội phạm; Xem xét nghiên cứu xây dựng Luật Đạo đức để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người để nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

“Nghiên cứu Khoa học biển: Xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững”
Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”
Xây dựng tiểu phẩm đặc sắc tuyên truyền pháp luật nhân Ngày pháp luật Việt Nam

Đăng Khôi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.