Gửi tình yêu vào gỗ

Thôn Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) nổi tiếng với nghề mộc truyền thống có tuổi đời khoảng 400 năm.
Những sản phẩm gỗ độc đáo của làng mộc Thiết Úng
Những sản phẩm gỗ độc đáo của làng mộc Thiết Úng

Theo các bậc tiền bối của nghề kể lại, vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân Thiết Úng đã từng được triệu vào cung đế tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm cho vua, chúa. Nhờ sự tài tình, khéo léo của đôi bàn tay, nhiều nghệ nhân của làng nghề đã được triều đình ban sắc phong. Thế hệ này qua đi, thế hệ khác nối tiếp, sự son sắt với những giá trị văn hóa của cha ông ngày càng thắm đượm.

Các mẫu mã sản phẩm độc đáo thường được các nghệ nhân của làng thực hiện như: Đức Phật A Di Đà, Phật Bà Quan Âm Bồ Tát, Phật Chuẩn Đề, Tượng gỗ Phật Di lặc, Đạt Ma ngồi thiền, Mục đồng thổi sáo chăn trâu, Thần Kim quy cõng cuốn thư, Phúc Lộc Thọ, Phù Dung Chim Trĩ,… Ngoài ra còn các sản phẩm về tranh cảnh đĩa như: Đĩa tứ linh, cảnh tứ quý xuân - hạ - thu - đông,… Người thợ Thiết Úng hiện còn giữ được hơn 100 các loại mẫu mã đẹp từ cổ xưa. Hầu hết sản phẩm đều được TP Hà Nội chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ không hề đơn giản. Công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu, người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, thớ gỗ dẻo mịn. Sau đó, loại bỏ giác gỗ, luộc nhiều ngày để đảm bảo gỗ không bị cong vênh do thời tiết,…

Nét độc đáo của một tác phẩm được thể hiện ở thần thái, hình dáng của từng sản phẩm. Đó là khuôn mặt, vóc dáng, đôi mắt, nụ cười, vầng trán,... Bên cạnh các nét chính, từng chi tiết nhỏ cũng phải được điêu khắc một cách tinh xảo để tạo nên tác phẩm sinh động, hài hòa và mềm mại.

Để trở thành một nghệ nhân thực thụ là cả một quá trình quyết tâm, kiên trì, học hỏi không ngừng nghỉ. Ngoài bàn tay tài hoa, tỉ mỉ, nghệ nhân còn phải có óc sáng tạo phong phú, vừa giữ gìn tinh hoa, hồn cốt văn hóa truyền thống, vừa cập nhật những công nghệ làm gỗ mới để tạo nên những tác phẩm tinh xảo hơn. Không phải người thợ nào cũng thành công ngay từ lần đầu khởi nghiệp, quan trọng là họ biết đứng lên làm lại, luôn giữ sự nhiệt huyết, đam mê nghề cháy bỏng ở trong tim, để rồi, cuối cùng thành công cũng mỉm cười.

Dù đứng trước sự cạnh tranh của nhiều mặt hàng mỹ nghệ hiện đại thì những nghệ nhân mộc Thiết Úng cũng không nao núng. Tuyên ngôn của họ là cống hiến hết mình cho nghề, nói không với “chộp giật”. Tình yêu nghề của họ được gửi gắm vào những “đứa con tinh thần”. Hạnh phúc của họ là khi những sản phẩm của quê hương được lan tỏa khắp nơi. Đó không chỉ mang lại giá trị về kinh tế cho chính mình mà còn là sự nối tiếp, tri ân với những công lao gìn giữ nghề của cha ông bao đời để lại, đưa văn hóa đặc sắc của quê hương Thiết Úng bay cao, bay xa hơn.

Tình cảm và tấm lòng sẻ chia của cộng đồng gửi gắm vào từng túi quà ý nghĩa
Tình yêu của bà

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.