Nhiều phụ huynh sốt ruột tìm mua thuốc tăng cường đề kháng cho trẻ trước mối lo dịch chồng dịch

Dịch bệnh chồng dịch bệnh khiến nhiều bậc phụ huynh không tiếc tiền lùng mua các loại thuốc tăng cường đề kháng để con được “bảo vệ”.
Nhiều phụ huynh sốt ruột tìm mua thuốc tăng cường đề kháng cho trẻ trước mối lo dịch chồng dịch
Nhiều phụ huynh tìm kiếm các loại thuốc tăng cường đề kháng nhưng lại không theo chỉ dẫn của bác sĩ (ảnh minh họa)

COVID-19, cúm A, cúm B, virus Adeno… một loạt các bệnh dịch đang đe dọa sức khỏe của trẻ. Những người lo lắng nhất có lẽ là các ông bố bà mẹ. Cũng chính lẽ đó, “làn sóng” tìm kiếm các thực phẩm bổ sung, tăng cường đề kháng cho trẻ cũng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng liệu những loại thuốc tăng cường đề kháng đó có thực sự “tăng đề kháng”?

Cụm từ 'thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ' khi được tìm kiếm trên trên Google sẽ cho hơn 51 triệu kết quả, một lượng thông tin khổng lồ để cha mẹ có thể tìm được một loại thuốc cho con mình. Nhưng thực tế, rất ít cha mẹ đưa con đi gặp bác sĩ để trẻ được kiểm tra và kê đơn cẩn thận.

Trên thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay có thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc nghe người này người kia mách thầy nọ thuốc kia hiệu quả và cứ như vậy dùng cho con mình. Điều này dẫn đến “làn sóng” dùng thuốc nhưng thiếu kiến thức.

Đặc biệt, khi trẻ mắc nhiều bệnh và sử dụng thuốc theo kê đơn từ bác sĩ mãi không khỏi, phụ huynh càng sốt ruột hơn nữa và càng cố gắng tìm kiếm những loại thuốc tăng cường đề kháng với hy vọng con mau hết bệnh.

Chị L. (Hà Nội) có con trai 4 tuổi. Con đi lớp từ năm 2 tuổi, được một thời gian thì dịch COVID-19 bùng lên, thế là chị phải để con ở nhà cho bà chăm. Thời điểm hiện tại, khi mọi thứ trở về bình thường, con được đi học mầm non, chị vừa mừng vừa lo. Mừng vì con được gặp bạn, có người chăm con để đi làm bình thường, không phải tất bật như trước. Nhưng cũng lo lắng vì thực tế con trai chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.

"Tôi cũng cố gắng chi một khoản để mua một số loại thực phẩm bổ sung về cho cháu uống để tăng sức đề kháng. Hầu hết thông tin và loại thuốc là tôi hỏi các bố mẹ khác và tự tìm hiểu qua Internet thì mua chứ cũng không đi khám bác sĩ" - Chị L. cho biết.

Chị L. cũng nói thêm, người bán hàng những sản phẩm này thường dùng những lời quảng cáo thần thánh như "cung cấp tất cả loại vitamin, chỉ cần uống một liệu trình", hay "dùng an toàn cho mọi lứa tuổi, không có chống chỉ định".

Giá mỗi sản phẩm cũng vô vàn giá, từ vài trăm đến vài triệu đồng cũng có, thậm chí thuốc nhập khẩu còn đắt gấp vài lần. Bản thân chị sau khi tham khảo nhiều nguồn cũng lựa chọn mua siro tăng đề kháng được người bán giới thiệu là nhập khẩu từ Đức với giá hơn một triệu đồng một sản phẩm. Sản phẩm cần dùng cả liệu trình ba tháng hết tổng cộng 5 triệu đồng.

Anh D. ở Xuân La, Hà Nội cũng đã nhờ người quen sống ở bên châu âu mua giúp một vài sản phẩm thuốc bổ cho con gái. Trước đó, vợ chồng anh cũng tìm kiếm nhiều thực phẩm tăng cường đề kháng, dùng một số bài thuốc dân gian như húng chanh, lê đường phèn… kết hợp với vỗ đờm, rửa mũi nhưng không được bao lâu con lại “tái ốm”.

Anh D. cho hay, quá nhiều bệnh dịch vây xung quanh con, từ chân tay miệng, Adeno, COVID-19… rình rập khiến gia đình phải tìm cách chủ động tăng đề kháng. Giờ đưa con đi viện cũng lo lắng, nhỡ đâu lây nhiễm chéo thì con càng ốm, bố mẹ cũng khổ theo.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia sức khỏe và dinh dưỡng, việc các phụ huynh tìm mua thực phẩm bổ sung để tăng sức đề kháng cho con là việc làm không cần thiết.

Việc đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất, kèm lối sống lành mạnh và đảm bảo môi trường sống cho trẻ mới là điều tốt nhất. Bởi không phải cái gì đưa vào người cũng là tốt, đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đừng theo lời trên mạng mà có thể tiền mất tật mang.

Trường hợp trẻ cần bổ sung chất, gia đình nên đưa trẻ đi khám, thiếu vi chất nào thì bổ sung vitamin đó, phổ biến nhất là vitamin A, D, Magie, kẽm..., phù hợp độ tuổi. Cũng không nên có quan niệm "thuốc ngoại là tốt" và tự ý sử dụng bởi nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần, có thể gây hại nếu dùng quá liều.

Để tăng miễn dịch cho trẻ, cần bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng; ngũ cốc nguyên hạt; sản phẩm từ sữa ít béo; rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

Trong trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol, liều lượng tính theo cân nặng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, truyền dịch... tại nhà.

Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm dịch, ngăn chặn bệnh Đậu mùa khỉ
Phú Thọ được yêu cầu gấp rút tăng cường phòng dịch cúm A(H5)
Lo ngại dịch chồng dịch khi số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng

Dương Kim Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.