Phụ huynh cầm dao ép Hiệu trưởng quỳ xin lỗi ở Hà Tĩnh:

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi này khiến nạn nhân sợ hãi.
Trường Tiểu học Sơn Lâm - nơi xảy ra sự việc phụ huynh mang dao đến trường uy hiếp thầy Hiệu trưởng
Trường Tiểu học Sơn Lâm - nơi xảy ra sự việc phụ huynh mang dao đến trường uy hiếp thầy Hiệu trưởng

Ngày 3/11, lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh thông tin, Thường trực Huyện ủy giao CA huyện, Tòa án, VKSND, BHXH... cùng phối hợp để củng cố hồ sơ, xem xét, xử lý khách quan về hành vi của đối tượng Võ Văn Điệp (phụ huynh) cũng như Hiệu trưởng nhà trường.

Theo đó, đối với phụ huynh Võ Văn Điệp, Thường trực Huyện ủy Hương Sơn giao cho CA huyện, Tòa án, VKS cùng phối hợp để củng cố hồ sơ, xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với nhà trường và Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Lâm, UBND huyện Hương Sơn giao Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, nếu có sai phạm thì kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Trao đổi về vấn đề này, thầy Phan Đình Thống, Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Lâm thừa nhận lỗi do một phần trách nhiệm của nhà trường về công tác tuyên truyền mua BHYT.

“Trường nhận lỗi về tuyên truyền đóng BHYT chưa được mềm dẻo, chưa được linh hoạt nên để xảy ra sự việc này. Từ đó, tôi cũng rút kinh nghiệm và trong thời gian tới sẽ có giải pháp tốt hơn để tạo điều kiện cho học sinh”, ông Thống trao đổi.

Trước đó, trong buổi lễ chào cờ vào sáng ngày 31/10, tại trường tiểu học Sơn Lâm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), thầy Phan Đình Thống (SN 1969, trú tại thôn Xuân Mai, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn; Hiệu trưởng của trường) đã gọi một số học sinh chưa đóng tiền bảo hiểm bắt buộc lên nhắc nhở.

Do bức xúc về việc 2 con của mình là Võ Thị T.H, SN 2012, học sinh lớp 5B và Võ X.S, SN 2016, học sinh lớp 1A trường tiểu học Sơn Lâm bị thầy Phan Đình Thống nhắc nhở trước cờ nên vào khoảng 13h30' cùng ngày, Võ Văn Điệp, SN 1982, trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn đã điều khiển xe mô tô chở 2 con và mang theo 1 con dao đến trường.

Khi đến phòng làm việc của thầy Phan Đình Thống, Điệp đã dùng dao đe dọa, chửi bới và yêu cầu thầy Thống ra tại khu vực sảnh chào cờ, bắt thầy quỳ xuống và xin lỗi 2 người con của Điệp.

Do quá sợ hãi, thầy Thống phải thực hiện theo yêu cầu của Điệp trước sự chứng kiến của một số học sinh và giáo viên nhà trường. Sau đó, CA địa phương đã tới trường và đưa Điệp về trụ sở.

Chiều 2/11, CA huyện Hương Sơn ra quyết định tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Võ Văn Điệp về tội “Làm nhục người khác”.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của phụ huynh như vậy là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên phụ thuộc vào hậu quả xảy ra, phụ huynh này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, nếu hành vi này khiến nạn nhân sợ hãi và hiểu rằng việc giết người có thể xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý sức khỏe, người thực hiện hành vi đe dọa giết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đe dọa giết người” theo quy định tại Điều 133 BLHS năm 2015.

Trong trường hợp hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để buộc nạn nhân phải thực hiện hành vi theo ý muốn của người đe dọa nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của nạn nhân, đây là hành vi làm nhục người khác.

Nếu hành vi làm nhục người khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân, người thực hiện hành vi làm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015.

Theo luật sư Nguyên, trong vụ việc này, phụ huynh đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình và cho rằng, do mình say rượu và bức xúc khi con nói về chuyện đóng tiền bảo hiểm.

Nội dung thừa nhận hành vi của phụ huynh phù hợp với lời khai của thầy Hiệu trưởng và các tài liệu chứng cứ khác nên có thể xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của Hiệu trưởng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của nạn nhân.

Bởi vậy, CQĐT sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và đặc biệt là làm rõ hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội, sẽ xác định hành vi là đe dọa giết người hay hành vi nhằm mục đích làm nhục người khác.

Trong trường hợp hậu quả được xác định là nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của Hiệu trưởng và các giáo viên trong trường, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội “Đe dọa giết ngườ”i hoặc tội “Làm nhục người khác” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật? Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.