OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh

Hà Nội có hơn 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR, có 1.649 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận tích cực, mang lại lợi ích cho các chủ thể...
Một số sản phẩm của huyện Chương Mỹ tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vừa diễn ra.
Một số sản phẩm của huyện Chương Mỹ tại hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP vừa diễn ra.

Tuyệt đối không để nợ tiêu chí

Vừa qua, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng đợt 2 năm 2022 đối với 47 sản phẩm thuộc các quận, huyện: Hoàng Mai, Mỹ Đức và Sóc Sơn... Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tham gia đánh giá, phân hạng đợt này, huyện Mỹ Đức có 20 sản phẩm, quận Hoàng Mai có 6 sản phẩm và huyện Sóc Sơn có 21 sản phẩm.

Để bảo đảm công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực chất, ông Nguyễn Văn Chí đề nghị các thành viên Hội đồng OCOP TP Hà Nội bám sát những tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quy chế của Hội đồng OCOP TP Hà Nội, thực hiện đánh giá một cách khách quan, công bằng, công khai, minh bạch đối với tất cả sản phẩm. Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội cũng đề nghị các sở ngành tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ những tiêu chí liên quan đến đơn vị mình phụ trách. Từ đó, tham gia ý kiến góp ý, bổ sung cho các chủ thể những nội dung minh chứng còn thiếu, chưa đầy đủ; tuyệt đối không để nợ tiêu chí.

Theo Kế hoạch số 145/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2022, Hà Nội dự kiến đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm. Trên cơ sở rà soát, các địa phương đã tổng hợp đăng ký đánh giá, phân hạng đối với hơn 500 sản phẩm. Trước đó, ngày 30/9, Hội đồng OCOP TP Hà Nội đã tổ chức đánh giá, phân hạng đối với 41 sản phẩm của 3 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm và Quốc Oai. Kết thúc đợt đánh giá, phân hạng đầu tiên của năm 2022, 41 sản phẩm đều đủ điều kiện trình UBND TP Hà Nội cấp từ 3 sao OCOP trở lên.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, toàn TP đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng năm 2022.

Huyện Chương Mỹ: Hiệu quả rõ nét từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Thông tin từ UBND huyện Chương Mỹ cho biết, những năm vừa qua, huyện đã triển khai: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng hóa của huyện đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Huyện Chương Mỹ có 1 khu công nghiệp Phú Nghĩa với diện tích: 170,1ha , có 06 cụm đã hình thành và đi vào hoạt động. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút 170 DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Chương Mỹ có 36 làng nghề, một số nghề truyền thống rất phát triển như: Sản xuất mây tre giang đan, mộc, thêu ren... Cùng với đó, huyện có thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp như: Gạo hữu cơ Đồng Phú, Bưởi Chương Mỹ, rau an toàn Chúc Sơn, trứng gà Tiên Viên… Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Chương Mỹ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Để phát huy thế mạnh của địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nêu bật vai trò của chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM nâng cao...

Từ năm 2019, UBND huyện đã triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện; Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai Chương trình này đến các đơn vị, DN, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn huyện... Lũy kế đến nay, huyện có 99 sản phẩm được UBND TP công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm được cấp 5 sao. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ chủ thể tiếp cận các chuỗi liên kết, trên địa bàn huyện đã có 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP đặt tại thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai và khu vực chợ Đồng Phương Yên. Tới các cửa hàng này, người dân có thể mua sắm, sử dụng các loại nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện Chương Mỹ nói riêng và của toàn TP Hà Nội nói chung.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh OCOP, năm 2022 huyện đặt ra mục tiêu có 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ đầu năm UBND đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; Đồng thời giao Phòng Kinh tế huyện là cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP cấp huyện; UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện OCOP. Cùng với đó, huyện quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa và cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nông thôn và OCOP tới các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện tới cơ sở.

Song song đó, huyện tổ chức tập huấn cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đăng ký hoặc có tiềm năng tham gia OCOP; Tập huấn quản lý điều hành cho thành viên Ban chỉ đạo và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; Lãnh đạo UBND và cán bộ phụ trách OCOP của các xã, thị trấn. Được biết, ngày 2/11/2022, UBND huyện tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 đối với các sản phẩm đối với 50 sản phẩm đăng ký tham gia của 14 chủ thể trên địa bàn huyện. Sau khi đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP cấp huyện, Hội đồng của huyện sẽ tổng hợp, báo cáo, trình Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp sao cho sản phẩm.

Khai mạc Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022
Tăng cường hoạt động kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP
Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

Bảo An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.