Doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội được hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số

Theo Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025” đã được phê duyệt, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số có thể giúp DN tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý, nhân sự
Chuyển đổi số có thể giúp DN tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý, nhân sự

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Cùng với đó, khoảng 90.000 DN nhỏ và vừa mới thành lập được nhận hỗ trợ từ kế hoạch như: sử dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn; cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong DN; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số. 100% DN trên địa bàn TP sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử. Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác, gồm: Tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số và DN cung cấp nền tảng số xuất sắc trong từng DN trên địa bàn TP.

Kế hoạch đề ra 6 nhiệm vụ cùng giải pháp, gồm: Xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số; truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong DN; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa về chuyển đổi số; hỗ trợ các gói chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa theo mức độ chuyển đổi số; kết nối, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, thúc đẩy chuyển đổi số trong DN trên địa bàn TP Hà Nội; thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số TP Hà Nội.

Trong đó, ngoài việc hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, TP cũng đặt hỗ trợ các gói chuyển đổi số. Với gói “Bắt đầu chuyển đổi số” với mức hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN nhỏ, không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN vừa; tối đa 50% chi phí cho DN thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, nhưng không quá 20 triệu đồng/năm với DN siêu nhỏ, không quá 50 triệu đồng/năm với DN nhỏ, không quá 100 triệu đồng/năm với DN vừa.

Với gói “Tăng tốc chuyển đổi số”, TP sẽ hỗ trợ các giải pháp chuyên sâu hơn, các công cụ, giải pháp về an toàn dữ liệu, hoạch định tài nguyên DN, quản lý hệ thống khách hàng và kênh bán hàng, báo cáo và phân tích kinh doanh thông minh... Với gói “Chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu” TP đặt kế hoạch hỗ trợ DN chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Chuyển đổi số giúp DN tiết kiệm chi phí quản lý, nhân sự

Phó GĐ Sở Thông tin và truyền thông TP Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và truyền thông về chuyển đổi số, Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách, hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số, từ đó có kế hoạch phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Mới nhất, Sở TT&TT Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3501/QĐ-UBND phê duyệt đề cương Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội” và Quyết định số 3457/QĐ-UBND về “Hỗ trợ chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Để giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho DN nhỏ và vừa, Phó GĐ Sở TT&TT Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng những thiết bị công nghệ số, mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - CEO của Cty CP Phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades), đại dịch Covid-19 vừa qua nhiều DN đã tiến hành chuyển đổi số, thúc đẩy phương án làm việc từ xa. Mặc dù, tiết kiệm được chi phí, thời gian, tăng cơ hội tuyển dụng nhân sự ở các địa bàn khác, tuy nhiên, DN lại khó quản lý nhân viên, hoạt động giao tiếp và trao đổi kém hiệu quả dẫn đến năng suất lao động không cao.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến - đại diện bộ phận dịch vụ của AEON khu vực miền Bắc cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới để có thể phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn”.

Theo tính toán từ các chuyên gia, phần lớn các DN ứng dụng thành công chuyển đổi số có thể giúp DN tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý, nhân sự. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số với các DN trong thời đại 4.0, nhất là với các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khu vực DN nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số bởi quy mô nhỏ, nguồn tài chính hạn hẹp, nhân sự về công nghệ thông tin thiếu và yếu.

Cùng với việc đưa ra lộ trình triển khai, kế hoạch cùng dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ DN chuyển đổi số là trên 315 tỷ đồng; trong đó, ngân sách TP chi trên 195 tỷ đồng, còn lại DN đóng góp và huy động từ các nguồn khác là trên 119 tỷ đồng.
Chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.