Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết việc làm

Ông Vũ Quang Thành - Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, công tác hỗ trợ, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp như tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, trở thành một giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi thị trường lao động.
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giải quyết việc làm
Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giải quyết việc làm

Tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến

Từ đầu năm 2022 tới nay, trung tâm đã tiếp nhận hàng nghìn hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động (NLĐ) còn được người tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo ông Thành, thời gian tới, trung tâm tiếp tục triển khai các kế hoạch, các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ để hỗ trợ DN, NLĐ. Bên cạnh đó, hình thành hệ thống thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ TP tới cơ sở. Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong kết nối cung - cầu lao động và thực hiện các nhiệm vụ của Trung tâm

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, TP đã giải quyết việc làm cho 183.027 lao động, vượt 14,3% kế hoạch năm (160.000 lao động), tăng 46.411 lao động, tương đương tăng 34% so với 10 tháng đầu năm 2021. Số NLĐ nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 14.485 lao động; đưa 1.750 NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các DN và qua các hình thức khác là 110.509 lao động.

Tính riêng tháng 10/2022, TP Hà Nội giải quyết việc làm cho 14.584 lao động, tương đương tháng 9. Trong đó, TP giải quyết việc làm cho 3.033 lao động từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 151,3 tỷ đồng; Số NLĐ nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm 1.653 lao động. Số lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các DN và qua các hình thức khác trong tháng 10 là 9.898 lao động.

Đặc biệt, tháng 10/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm với 670 đơn vị, DN tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 14.003 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 4.586 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.653 lao động. Đơn cử tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình được tổ chức vào trung tuần tháng 10/2022, có 38 đơn vị, DN với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 1.637 chỉ tiêu; trong đó 1.545 chỉ tiêu tuyển dụng và 92 chỉ tiêu tuyển sinh.

Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, kết quả cho thấy, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ ĐH - CĐ chiếm tỉ lệ cao nhất 856/1.545 chỉ tiêu; tiếp đến, các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật 451/1.545 chỉ tiêu và 238/1.545 chi tiêu tuyển dụng lao động phổ thông. Mức thu nhập cao từ 10 triệu đồng trở lên có 488/1.545 chỉ tiêu, dành cho các vị trí quản lý, trưởng phòng, phó phòng… có kinh nghiệm thâm niên, khả năng chịu được môi trường áp lực công việc cao.

Trong khi đó, mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng chiếm tỷ lệ lớn nhất 691/1.545 chỉ tiêu của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, lao động phổ thông có tay nghề. Mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng có 284/1.545 chỉ tiêu của các vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian hoặc dành cho sinh viên mới ra trường, NLĐ phổ thông ở những vị trí tập sự, đơn giản chưa yêu cầu chuyên môn cao.

Tạo môi trường kết nối giữa DN và NLĐ

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, phiên giao dịch việc làm không chỉ tạo môi trường kết nối giữa DN và NLĐ, mà đây cũng là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận với thị trường lao động, được cung cấp về thông tin thị trường lao động. Từ đó, họ có thể học hỏi, trau dồi, trang bị thêm cho mình những kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường việc làm khi ra trường, tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, để đảm bảo được các mục tiêu năm 2022 đề ra, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành của TP, cũng như các cơ quan, ban ngành địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp để bảo đảm việc làm cho NLĐ, đồng thời định hướng, cải thiện chất lượng nguồn lao động của TP Hà Nội, hỗ trợ NLĐ học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác giải quyết việc làm. Hoàn thiện mạng lưới thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động từ TP tới địa phương thông qua việc tổ chức đồng bộ hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Đẩy mạnh công tác dự báo thị trường lao động ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực, báo cáo xu hướng về tình trạng việc làm, xu hướng nghề nghiệp, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và các ngành nghề đang phát triển thu hút nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Đặc biệt là hoạt động cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyền đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận/huyện nhằm giúp đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với từng đối tượng cụ thể, để NLĐ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời giúp các đơn vị DN tuyển dụng được lao động.

Hà Nội khuyến khích phát triển các phương án ứng dụng công nghệ tái sử dụng
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ vào bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông
Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh

Xuân Thanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.