Góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP:

Cần quy định chi tiết, cụ thể hơn để cơ sở dễ thực hiện

Quá trình thực hiện triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật, UBND quận Hoàn Kiếm đã có các phương pháp, nội dung triển khai thực hiện TDTHPL và đạt một số kết quả nhất định.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đóng góp ý kiến tại Hội nghị góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm đóng góp ý kiến tại Hội nghị góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP

Triển khai thống nhất, bám sát lĩnh vực trọng tâm

Tại Hội nghị góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP vừa được Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã triển khai thống nhất công tác theo dõi thi hành pháp luật trên trên địa bàn quận, vừa đảm bảo bám sát với lĩnh vực trọng tâm theo dõi theo định hướng của TP, vừa đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phục vụ nhiệm vụ chính trị của quận.

Trên cơ sở các kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của UBND TP, hàng năm, UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng và triển khai các kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật đến các đơn vị và UBND 18 phường thuộc quận; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính đáp ứng yêu cầu về quản lý Nhà nước đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Quận xây dựng kế hoạch kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá một cách chính xác việc thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật tại đơn vị được kiểm tra. Theo đó, UBND quận đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra về tình hình theo dõi thi hành pháp luật. Qua công tác kiểm tra đã kịp thời phát hiện các sai sót, vi phạm trong tổ chức thi hành pháp luật, các khiếm khuyết, hạn chế của các quy định pháp luật và đưa ra các kiến nghị với đơn vị được kiểm tra cũng như các cơ quan có thẩm quyền.

Tiến hành khảo sát đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm theo dõi. UBND quận đã thực hiện được 04 cuộc khảo sát tình hình thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo (năm 2015); Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động (năm 2017); PCCC&CNCH (năm 2021) và An toàn thực phẩm (năm 2021). Kết quả khảo sát cho thấy công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn quận đã đạt được những hiệu quả nhất định.

Thực hiện chế độ, thông tin báo cáo theo quy định, UBND quận đều có các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề để tổng hợp, đánh giá thực trạng công tác áp dụng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn và gửi đến UBND TP, Sở Tư pháp bảo đảm chất lượng theo yêu cầu, đúng tiến độ.

Có thể nói UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, giúp cho công tác này không còn chung chung, mơ hồ mà dần đi vào thực chất hơn.

Cần quy định chi tiết, cụ thể hơn để cơ sở dễ triển khai thực hiện

Theo đại diện của UBND quận Hoàn Kiếm, một số Điều trong Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn quy định chung chung nên khó áp dụng trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, đề nghị sửa đổi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo hướng quy định chi tiết, cụ thể hơn để cơ sở dễ triển khai thực hiện. Cụ thể như:

Tại khoản 3 Điều 5 quy định về trách nhiệm theo dõi tình hình thi hành pháp luật của UBND các cấp nhưng chưa quy định cụ thể, rõ ràng, còn mang tính chất chung chung.

Tại Điều 9 quy định về nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tuy nhiên, thế nào là “kịp thời, đầy đủ, phù hợp” và “mức độ đáp ứng” về nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho thi hành pháp luật cụ thể ra sao thì Nghị định chưa quy định nên rất khó để đánh giá các tiêu chí này.

Tại Điều 10 quy định về nội dung xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật còn chung chung, đề nghị quy định cụ thể tiêu chí để xác định thế nào là “Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền”, “Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan Nhà nước và người có thẩm quyền”, “Mức độ tuân thủ pháp luật” của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cách thức để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng chưa được quy định cụ thể.

Nghị định cũng chưa quy định việc xử lý mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tại Điều 14 quy định về việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật. Tuy nhiên, ở đây mới chỉ quy định chung về trách nhiệm xử lý chứ chưa có chế tài cụ thể đối với các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật theo quy định. Ngoài ra, cần quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm trong việc theo dõi việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Nghị định số 59/2012/NĐ-CP còn thiếu chỉ tiêu, tiêu chí làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật: Tại Điều 16 của Nghị định quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm “Ban hành Chỉ tiêu thống kê ngành theo quy định tại Nghị định này” nhưng cho đến nay, các cơ quan này cũng chưa ban hành chỉ tiêu thống kê ngành để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định trên.

Theo đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, việc thiếu tiêu chí, chỉ tiêu thống kê sẽ gây khó khăn, lúng túng cho các đơn vị khi thực hiện chức năng của mình; nhất là đối với công tác kiểm tra liên ngành theo dõi thi hành pháp luật về một số lĩnh vực trọng tâm, vì nếu chỉ đánh giá bằng cảm quan, sẽ rất khó để đưa ra kết luận đầy đủ, chính xác về tình hình tuân thủ pháp luật của cá nhân, tổ chức.
Hà Nội: Góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
Theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn Hà Nội đi vào nền nếp
Sửa đổi, bổ sung các văn bản để phù hợp với quy định của pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.