Những “mặt trái” của rau cần tây

Không ít người uống nước ép cần tây thay cho bữa sáng, điều này nếu kéo dài sẽ mang lại tác động tiêu cực. Cần tây vốn chứa rất ít calo và không chứa carbohydrate nên nó không mang lại đủ năng lượng cần thiết để khởi đầu một ngày làm việc. Đặc biệt, người bị huyết áp thấp nên hạn chế ăn loại rau này để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cần tây được biết đến là loại thực phẩm tốt với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, nhưng vẫn có một số trường hợp cơ thể bị dị ứng với loại rau này. Người bị dị ứng rau cần tây gặp một loạt các triệu chứng như: Phát ban ngứa hoặc sưng, khó thở, thắt chặt trong cổ họng, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, tim đập loạn nhịp, hạ huyết áp, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Trong một số ít trường hợp người bị dị ứng nghiêm trọng có thể gặp phải sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Dù có tác dụng trong việc thải độc cho cơ thể, nhưng nước ép cần tây không được khuyên dùng cho những người mắc bệnh thận. Lượng nước quá lớn của cần tây sẽ thúc đẩy quá trình lợi tiểu, tạo nhiều áp lực lên thận, khiến thận yếu đi nhanh chóng.

Một điều đặc biệt lưu ý, đây không phải là loại rau tốt cho những người đang mang thai, vì nó có thể gây kích thích tử cung co lại, từ đó gây bất lợi cho việc sinh nở về sau. Đặc biệt, với những người khó thụ thai hoặc thai phụ xuất hiện một số triệu chứng sảy thai thì cần tránh xa loại rau này.

Nhiều chị em uống nước ép cần tây với mong muốn đẹp da nhưng một số người lại thấy xuất hiện nám nhiều hơn trước đó. Các chuyên gia y tế cho biết, cần tây có chứa hóa chất psoralen, hóa chất này phản ứng với ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, nếu tiêu thụ cần tây hoặc các loại thực phẩm khác chứa nhiều psoralen có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím, làm tăng nguy cơ viêm da hoặc có thể khiến da dễ bị cháy nắng, tổn thương hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Theo các nghiên cứu cho thấy, việc tiêu thụ thường xuyên với số lượng nhiều cần tây chưa được nấu chín có khả năng gây ra bệnh bướu cổ. Điều này là do trong cần tây có chứa chất goitrogen có thể can thiệp vào quá trình hoạt động của i-ốt trong tuyến giáp làm tăng nguy cơ thiếu hụt i-ốt và gây bướu cổ. Bướu cổ có thể gây sưng ở cổ, dẫn đến các vấn đề hô hấp và suy giáp có thể xảy ra.

Không chỉ đối với rau cần tây, mỗi người chúng ta cần tìm hiểu kỹ “mặt trái” của các loại thực phẩm, rau củ trước khi sử dụng cho việc làm đẹp. Đặc biệt, không nên lạm dụng bất kỳ công thức giảm cân, làm đẹp nào trong thời gian quá dài bởi sẽ dẫn đến bất lợi cho sức khỏe.

7 ngày uống nước ép cần tây có tác dụng gì?
Uống nước ép cần tây đúng cách
Nước ép cần tây - "thần dược" giảm cân hiệu quả

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.