Vụ 2 nhóm thanh niên hỗn chiến bằng vũ khí tự chế ở Tam Đảo:

Các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù?

Luật sư cho rằng, trường hợp “phạm tội có tổ chức" thì đây là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Tang vật của vụ án
Tang vật của vụ án

CA huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang củng cố hồ sơ, sàng lọc xử lý các đối tượng tượng liên quan đến việc sử dụng các loại hung khí tự chế để mang đi giải quyết mâu thuẫn.

Theo điều tra, ngày 2/10, Khổng Văn Vinh, SN 2005, Nguyễn Đức Hải, SN 2005 và Đinh Phi Hùng, SN 2007, cùng ở thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo đi chơi cùng nhóm bạn tại khu danh thắng Tây Thiên thì xảy ra mâu thuẫn với một nhóm thanh thiếu niên ở xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương có tên nhóm Facebook là “Lương Sơn Bạc” do Đinh Văn Nam, SN 2005 cầm đầu.

Sau đó, 2 nhóm đối tượng dùng dao phóng lợn và bom xăng đuổi đánh nhau nhưng không xảy ra thương tích. Không dừng lại ở đó, Đinh Phi Hùng đã liên hệ rủ Lưu Trọng Phê, SN 2005, ở xã Hồ Sơn, là nhóm trưởng nhóm Facebook “Hoa Quả Sơn” gồm 25 thành viên, thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đảo để đi trả thù nhóm “Lương Sơn Bạc”.

Các đối tượng hẹn nhau tại khu vực TL310, địa bàn giáp ranh giữa xã Hoàng Hoa (huyện Tam Dương) và xã Tam Quan (huyện Tam Đảo) gặp để giải quyết mâu thuẫn. Để chuẩn bị cho “trận quyết đấu” cả 2 nhóm đã chuẩn bị nhiều vỏ chai thủy tinh, dao phóng lợn, dao phớ và súng tự chế…

Qua công tác nắm tình hình, CA huyện Tam Đảo đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, ngăn chặn 31 thanh thiếu niên (có độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi), trú tại thị trấn Đại Đình, xã Hồ Sơn, xã Tam Quan chuẩn bị hỗn chiến, tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, nhóm đối tượng trong vụ việc đều là các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi, là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi các em đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, thiếu sự điều khiển của lý trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.

Nguyên nhân dẫn đến việc người dưới 18 tuổi phạm tội có thể xuất phát từ việc: Sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu; thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể; chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với các học sinh cá biệt; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa đạt kết quả cao.

"Đặc biệt trong trường hợp này là một nhóm đối tượng phạm tội, sử dụng mã tấu và bom xăng đuổi đánh nhau. Ngoài việc tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng tác động, còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người xung quanh. Khi sử dụng các phương tiện này, hậu quả dù có xảy ra hay không nhưng khả năng gây hại cho nhiều người là rất lớn", luật sư Nguyên cho biết.

Theo luật sư Nguyên, đối với hành vi chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm; thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác của hai nhóm đối tượng nêu trên, có thể các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại khoản 6 Điều 134 BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, các đối tượng thuộc hai nhóm thanh thiếu niên nêu trên đều có độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi nên khi truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phải áp dụng quy định về mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 101 BLHS năm 2015.

Cụ thể, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, đối với hình phạt là hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, đối với hình phạt là hình phạt tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a và điểm n Điều 52 BLHS năm 2015, phạm tội có tổ chức và dùng phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội đều là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Hai nhóm hẹn nhau hỗn chiến, 1 người bị bắn tử vong
Hai nhóm thanh niên “choai” dùng đao, kiếm, vỏ chai hỗn chiến gây náo loạn vùng quê
Nhóm thanh niên hỗn chiến trong đêm, 2 người tử vong
Danh tính nhóm đối tượng trong vụ hỗn chiến khiến 2 người tử vong

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.