Góp ý dự thảo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP:

Theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn Hà Nội đi vào nền nếp

Sau 10 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội, đến nay công tác này đã đi vào nền nếp, hàng năm UBND TP đã ban hành các kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp dưới triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội chủ trì hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội chủ trì hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP

Kịp thời ban hành các kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả

Theo báo cáo, hàng năm, UBND TP ban kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong đó, xác định các lĩnh vực trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã kịp thời triển khai các nội dung về theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của kế hoạch…

UBND TP Hà Nội triển khai đầy đủ các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Trong đó, kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, từ khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến 01/10/2022, UBND TP đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra, điều tra khảo sát tình hình thi hành pháp luật. Song song với hoạt động kiểm tra, TP tiến hành điều tra, khảo sát thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp cá nhân, tổ chức liên quan và các hoạt động khác theo quy định Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP.

Về kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật: Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết của TP Hà Nội nhìn chung đã kịp thời, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP; các văn bản ban hành đúng trình tự, thẩm quyền, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản của Trung ương; TP đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực.

Về xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật: Trên cơ sở kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo từng năm, UBND TP Hà Nội, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã có nhiều báo cáo, đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Tư pháp, cơ quan có thẩm quyền để xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cụ thể:

Đối với UBND TP Hà Nội: Năm 2014 báo cáo kiến nghị tình hình thi hành pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; năm 2015 kiến nghị về thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; năm 2016 báo cáo kiến nghị thi hành pháp luật về lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai; năm 2017 báo cáo về thi hành pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; năm 2019 báo cáo thi hành pháp luật về lĩnh vực báo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; năm 2020 báo cáo kiến nghị tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường; năm 2021 báo cáo kiến nghị thi hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, phòng cháy chữa cháy, về giao rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Đối với UBND cấp huyện: Định kỳ, đột xuất đã thực hiện báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó đã kiến nghị những vấn đề khó khăn, vướng mắc về thi hành pháp luật tại địa phương để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND TP và Bộ Tư pháp, như: UBND quận Cầu Giấy, UBND phường trên địa bàn quận đã có 90 báo cáo, kiến nghị; UBND quận Bắc Từ Liêm có 12 báo cáo kiến nghị thi hành pháp luật về nhà ở xã hội, bảo vệ môi trường, cấp GCN quyền sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ…

Huy động được sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức

Việc phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn: Công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước và triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP đảm bảo thường xuyên, công tác phối hợp tập trung vào các nội dung như: Hoạt động kiểm tra, điều tra, khảo sát, tổ chức buổi hội thảo, tọa đàm, qua đó kịp thời tổng hợp, đề xuất, kiến nghị UBND TP, các cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật nói chung, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói riêng. Việc phối hợp với TAND TP, VKSND TP trong công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện kịp thời.

Ngoài ra, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư. Các hình thức phối hợp như: thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm do Sở Tư pháp chủ trì… Công tác phối hợp trong việc điều tra, khảo sát theo chuyên đề của Bộ Tư pháp được UBND TP Hà Nội quan tâm, UBND TP thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, sáng 18/10 vừa qua, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa TP Hà Nội.
Hà Nội: Tích cực triển khai theo dõi, thi hành pháp luật
Đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong thi hành pháp luật

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.