Cảnh báo tình trạng đưa trẻ mắc sốt xuất huyết tới bệnh viện muộn

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Nhiều ca chuyển biến nặng và tử vong do tâm lý ngại đưa trẻ đi bệnh viện của phụ huynh khiến nguy cơ trở nặng tăng cao.
Cảnh báo tình trạng đưa trẻ mắc sốt xuất huyết tới bệnh viện muộn
Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng do phụ huynh đưa đi bệnh viện muộn

Tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp trên cả nước

Theo thống kê tích lũy từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã ghi nhận 258.480 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, 102 ca tử vong. So sánh với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp.

Phân theo khu vực, miền Bắc ngày càng ghi nhận gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong. Miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam tiếp tục là nơi có số ca mắc và tử vong ở mức rất cao.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. Trong tuần qua, ghi nhận thêm 48 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 19 quận, huyện…

Như vậy, tình hình bệnh sốt xuất hiện trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu phức tạp với số ca bệnh tăng cao. Đặc biệt đối tượng bệnh nhân là trẻ em đang có xu hướng tăng ca mắc và ca diễn biến nặng.

Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng do nhập viện muộn

Hai nguyên nhân hàng đầu khiến cho tình trạng trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện muộn là do tâm lý ngại đi bệnh viện vì sợ con lây chéo các bệnh lý khác và có thể nhập viện sớm nhưng lại lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh không đúng chuyên môn khiến bệnh không được chẩn đoán đúng thời điểm.

Đối với nguyên do đầu tiên, nhiều gia đình có tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện. Trong khi đó, triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh như cúm siêu vi, virus Covid-19 nên rất dễ bị bỏ qua hoặc tự điều trị tại nhà nhưng không đúng thuốc. Điều này khiến việc nhập viện của rất nhiều trẻ bị muộn, sốt xuất huyết lúc này đã trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí đến giai đoạn nguy hiểm tính mạng.

Với nguyên nhân thứ hai, nhiều phụ huynh lo lắng đưa con đi khám nhưng lại không chọn bệnh viện chuyên khoa mà lựa chọn phòng khám tư. Nhiều cơ sở không có thiết bị chuyên sâu hoặc chỉ định các xét nghiệm không tới, không phát hiện ra đúng bệnh mà chỉ điều trị các triệu chứng ngoài. Điều này khiến trẻ chỉ hạ sốt hoặc thuyên giảm các triệu chứng bên ngoài, nhưng bên trong thì không được trị dứt điểm. Đến khi thấy con trở nặng, phụ huynh đưa trẻ đến bệnh viện thì bệnh đã nặng hơn, gây nguy hiểm tính mạng trẻ.

Bộ Y tế khuyến cáo, đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với sức khỏe.

Dương Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.