Đào tạo lái xe ô tô trên cả nước có nguy cơ bị tạm dừng toàn bộ

Chưa đầy hai tháng nữa là tới hạn các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải triển khai và áp dụng chương trình đào tạo cabin điện tử nhưng đang có kiến nghị điều chỉnh lộ trình này, không áp dụng từ năm 2023 như quy định trước đó.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017, trong đó cho phép lùi thời gian trang bị và sử dụng ca bin học lái xe ô tô đến trước ngày 31/12/2022 thay vì phải áp dụng từ 01/07/2022. Tuy nhiên, nhiều trung tâm đào tạo lái xe và cơ quan quản lý nhà nước vẫn muốn lùi thêm thời điểm triển khai.

Theo quy định này, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị cabin tập lái để học viên học từ ngày 01/01/2023. Học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch, làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc.

Lý giải cho vấn đề này, Cục Đường bộ, các sở giao thông vận tải, hiệp hội vận tải cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính; dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị. Đặc biệt, đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm ca bin học lái xe ô tô, chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT để cung cấp cho các cơ sở đào tạo.

Do đó, ngày 17/10 vừa qua, tại Báo cáo về lộ trình trang bị cabin học lái xe gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cũng bày tỏ sự thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe, Cục đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô.

Đào tạo lái xe ô tô trên cả nước có nguy cơ bị tạm dừng toàn bộ
Lộ trình đào tạo lái xe ô tô bằng cabin điện tử đang có nguy cơ phải điều chỉnh, không áp dụng từ năm 2023 như quy định trước đó.

Việc lùi thời điểm áp dụng để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất ca bin học lái xe ô tô. Các cơ sở đào tạo cũng cần có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp ca bin học lái xe theo đúng quy định.

Các cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước cũng đã có văn bản kiến nghị xin lùi thời điểm áp dụng theo quy định từ ngày 01/01/2023, nếu không việc đào tạo lái xe sẽ phải tạm ngưng trong thời gian chưa trang bị được loại ca bin này.

Phải nói thêm, việc đầu tư lắp cabin tập lái cũng là nỗi trăn trở của các cơ sở đào tạo do chi phí tốn kém. Mỗi bộ cabin có giá khoảng 400-500 triệu đồng, đào tạo trung bình 1000 học viên/tháng cần tới khoảng 20 cabin. Khi mà dịch COVID-19 mới tạm thời qua đi, các cơ sở gần như không đủ “sức khỏe tài chính” để trang bị cho kịp lộ trình.

Ngoài ra, với chi phí tốn kém hơn, việc tăng giá dạy học lái xe cũng sẽ là bài toán với mỗi cơ sở đào tạo. Mức tăng quá lớn sẽ làm ảnh hưởng tới người học cũng như chính cơ sở đào tạo.

Việc trang bị và học bằng cabin tập lái nên có lộ trình cụ thể, thí điểm ở một số cơ sở đủ điều kiện để đánh giá ưu - nhược điểm, sau đó tiến hành nhân rộng quy mô thì khả năng triển khai sẽ tốt hơn việc áp dụng đồng loạt trong hoàn cảnh hiện nay.

Đa

Nghiêm cấm học viên tự lái xe ra đường
Siết chặt công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
Hà Nội yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe ô tô không được tùy tiện tăng học phí

Minh Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.