Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh

Công tác tuyển sinh năm 2022 đã có những điều chỉnh tích cực, nhất là chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Ngay sau khi kết thúc tuyển sinh đợt một, nhiều trường ĐH đã cơ bản hoàn thành công tác tuyển sinh cho năm học mới.
Ứng dụng triệt để công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng mang tới thành công của mùa tuyển sinh năm nay
Ứng dụng triệt để công nghệ là một trong những nhân tố quan trọng mang tới thành công của mùa tuyển sinh năm nay

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2022, toàn hệ thống hơn 300 cơ sở đào tạo có 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh) với 620.477 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng. Trong số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt một là 567.018, đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến kết thúc thời hạn quy định, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng sau khi có điểm thi và điểm sàn của các trường công bố; được bảo đảm quyền chọn trường, chọn ngành theo nguyện vọng mong muốn; đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển lớn nhất.

Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển tất cả các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường. Trong tuyển sinh năm 2022, không còn tình trạng thí sinh nhận được giấy báo trúng tuyển từ nhiều trường dù thí sinh không đăng ký. Các trường ĐH được bảo đảm cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch, thực hiện công tác xét tuyển thuận tiện, giảm bớt nhiều quy trình, thủ tục riêng. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm, đồng nghĩa với việc các trường tuyển sát hơn với chỉ tiêu.

Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 có sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ. Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó bảo đảm việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh, có những thời điểm có tới hàng trăm nghìn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đáng chú ý, công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá là sự đột phá về chuyển đổi số, nhất là việc thanh toán lệ phí không sử dụng tiền mặt. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Ngoài ra, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh trong toàn ngành. Bộ GD&ĐT có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách liên quan đến đào tạo nhân lực.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu trong tuyển sinh năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục. Trong đó, Bộ GD&ĐT rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn.

Các cơ sở đào tạo cần phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không bảo đảm sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục ĐH hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh...

Thêm 4 trường trực thuộc ĐHQGHN công bố điểm trúng tuyển đại học
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đơn giản hoá phương thức tuyển sinh
81,7% thí sinh trúng tuyển Đại học hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến

Thủy Liên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.