Dịch vụ công trực tuyến:

(PL&XH) - Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được TP Hà Nội triển khai đồng bộ. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp đã được triển khai đến tất cả 584 xã, phường, thị trấn với tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn TP đạt tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng hồ sơ trực tuyến do công dân tự kê khai, thực hiện tại nhà chưa nhiều.

Địa bàn các quận được xem là có trình độ dân trí, điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin thuận tiện hơn các huyện, đồng nghĩa với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng dễ dàng hơn. Tại các quận, các dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, kê khai thuế… có số hồ sơ trực tuyến nhiều, số giao dịch trực tiếp giảm hẳn, còn những thủ tục hành chính khác, phần lớn người dân vẫn đến các Bộ phận một cửa để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Chị Nguyễn Thùy Dung, cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ cho biết, tuy số thủ tục được yêu cầu thực hiện trực tuyến tại phường Quảng An đều được nhập dữ liệu trực tuyến, nhưng hầu hết người dân không tự kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến, mà do cán bộ một cửa kê khai hộ. Mỗi lần nhận hồ sơ lại là một lần cán bộ một cửa hướng dẫn trực tiếp cho người dân.

Cán bộ tư pháp xã Tản Lĩnh hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ
Cán bộ tư pháp xã Tản Lĩnh (Ba Vì) hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ. Ảnh: P. Thảo

Tương tự tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, hồ sơ trực tuyến cũng phần lớn do cán bộ nhập dữ liệu. Ông Bùi Tuấn Dương, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho hay, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến đến các bí thư chi bộ, đoàn thanh niên, cộng tác viên dân số, phường Phú Thượng chọn hướng dẫn cho học sinh cấp 2 vì đối tượng này có thể giúp hoặc hướng dẫn ông bà, bố mẹ thực hiện được dịch vụ. Còn phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) lại phát tờ giới thiệu và hướng dẫn khai sinh trực tuyến với các cặp vợ chồng mà người vợ đang mang thai, các cặp vợ chồng mới đăng ký kết hôn. Đoàn thanh niên của phường cũng trực 2 buổi/tuần để hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ. Tại huyện Gia Lâm, Hội đồng PBGDPL phát tờ rơi biên soạn hướng dẫn cụ thể và số điện thoại, địa chỉ hỗ trợ dịch vụ của tất cả các xã, thị trấn…

Cán bộ tư pháp xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) – ông Nguyễn Văn Lừng cho biết, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở xã Hồng Minh không dễ dàng vì phần lớn người dân chưa quan tâm tìm hiểu, vẫn đến trực tiếp UBND xã để làm thủ tục. Tại các xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín), xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên)… cũng đều chưa có hồ sơ trực tuyến do công dân tự kê khai, nộp tại nhà.

Chủ tịch UBND xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Thắng nhận định, để người dân, nhất là người dân nông thôn làm quen với dịch vụ công trực tuyến, cần có thời gian nhất định. Xã Mai Đình đã lập kế hoạch và tuyên truyền nhiều qua các hội nghị, các cuộc giao ban và hệ thống loa truyền thanh của xã, nhưng đến nay, số hồ sơ được nhập trực tuyến vẫn do cán bộ thực hiện là chủ yếu.

Theo chị Nguyễn Thanh Giang, cán bộ bộ phận một cửa xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), nhiều thủ tục được giải quyết ở cấp xã, phần lớn do người trung tuổi thực hiện, trong khi đó, hồ sơ trực tuyến phải kê khai khá chi tiết, có nhiều yêu cầu khó hơn nộp trực tiếp như phải chụp ảnh hồ sơ, tài liệu… gửi đính kèm. “Hồ sơ yêu cầu phải kê khai địa chỉ email nhưng rất nhiều người dân không sử dụng email, thành thử cán bộ một cửa toàn phải kê khai địa chỉ email của mình để nhập được hồ sơ cho dân”, chị Giang cho hay.

Giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến là xu hướng tất yếu khi trình độ công nghệ thông tin phát triển, vừa giúp cơ quan Nhà nước thuận tiện trong quản lý và xử lý công việc, vừa giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí để làm thủ tục. Tuy nhiên, để có “công dân điện tử”, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cần được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng để người dân dần thay đổi thói quen khi cần giải quyết thủ tục hành chính.

Hải Lý / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.