Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội:

Đầu tư cho công tác tư pháp thực hiện chuyển đổi số

Công tác tư pháp trên địa bàn quận Nam Từ Liêm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Sở tư pháp, Quận ủy- HĐND - UBND quận, công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời để triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định mới của pháp luật.
Quận Nam Từ Liêm đầu tư cho công tác tư pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số quốc gia
Quận Nam Từ Liêm đầu tư cho công tác tư pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số góp phần xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số quốc gia

Được triển khai toàn diện đúng trọng tâm

Theo đó, công tác tư pháp 9 tháng đầu năm 2022 đã được quận triển khai đồng bộ, bám sát Chương trình công tác của Bộ tư pháp và chỉ đạo của UBND TP, Sở tư pháp TP triển khai cơ bản toàn diện, đúng trọng tâm các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể đã nghiên cứu, tổ chức góp ý, thẩm định hơn 203 văn bản; đăng tải 352 bài giải đáp và thông tin hỗ trợ pháp lý cho DN trên trang Hỗ trợ pháp lý cho DN; tổ chức 4 hội nghị cấp TP và phối hợp tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho hơn 38.770 người; đăng tải 3.715 tin, bài phản ánh hoạt động PBGDPL của các quận, huyện, Sở, ngành, TP; đánh giá tiêu chí công tác PBGDPL có: 29/30 đơn vị xếp loại xuất sắc, 01 đơn vị xếp loại tốt.

Công tác hành chính tư pháp được thực hiện tốt, đã tiếp nhận và giải quyết 1.130 hồ sơ cấp bản sao trích lục hộ tịch; giải quyết 10 hồ sơ Cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam và 4 hồ sơ Cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; tiếp nhận 53.260 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, số phiếu đã cấp là 51.690; tiếp nhận 2.285 hồ sơ yêu cầu có thông tin và án tích đã giải quyết 1.265 hồ sơ.

Từ đầu năm, đã kết nạp thêm 159 luật sư; giải quyết 73 đơn kiến nghị, đề nghị của công dân liên quan đến việc thông tin ngăn chặn; Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước đã tiếp 111 lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý với 16 việc và 95 vụ việc. Cùng với đó, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số

Tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022 vừa được UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức, Sở tư pháp Hà Nội đã tổng hợp, lấy ý kiến Dự thảo văn bản báo cáo TP về kết quả rà soát TTHC có thành phần hồ sơ liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 06 ngày 06/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 54 ngày 17/2/2022 của UBND TP trong lĩnh vực tư pháp. Triển khai một số nội dung thuộc lĩnh vực PBGDPL; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trong 03 tháng cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đẩy mạnh cải cách TTHC ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số là việc làm cấp thiết. Đề án 06 có ý nghĩa hết sức quan trọng để phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ công tác dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Khi thực hiện Đề án 06, UBND quận thường xuyên quan tâm, động viên khích lệ và đầu tư cho ngành tư pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để góp phần xây dựng chính quyền điện tử và tiến tới xây dựng chính quyền số quốc gia.

Đồng chí Trần Thành Long cũng cho biết, các dữ liệu số hóa đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu của quận. Hiện đang khai thác có hiệu quả trong giải quyết TTHC tại quận và các phường trong quận. Đây là là tiền đề cho việc chuyển đổi số và chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới theo lộ trình của Bộ tư pháp và UBND TP Hà Nội.

Theo GĐ Sở tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, công tác tư pháp của TP trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả và ngày càng quan trọng. Vai trò tham mưu của ngành tư pháp đối với chính quyền các cấp của TP trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngày càng chủ động hơn, đúng việc và có hiệu quả; sự phối hợp giữa ngành tư pháp với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã ngày càng chặt chẽ; Việc chỉ đạo công tác tư pháp từ TP đến các cấp cơ sở ngày càng thống nhất, đồng bộ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở và các Phòng tư pháp quận, huyện, thị xã cần tích cực, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch công tác tư pháp năm 2022, các kế hoạch chuyên đề của UBND TP.

GĐ Sở tư pháp yêu cầu tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022/2025, tầm nhìn 2030”, Kế hoạch số 54 ngày 17/2/2022 của UBND TP về Thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022/2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn TP Hà Nội”.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022
Chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.