Chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp

Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm nay là “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Không chỉ là chủ đề mang tính kêu gọi, những hoạt động chuyển đổi số đã phần nào giải quyết các vấn đề của người dân và DN trong thời gian qua.
Ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia

Lấy người dân, DN làm trung tâm

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022, với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Sự kiện nhằm nhìn lại tiến trình phát triển, các sự kiện, dấu ấn, bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số; tôn vinh tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho chuyển đổi số; Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã có quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia.

Định hướng chuyển đổi số quốc gia xuyên suốt trong năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Qua đó, hướng tới cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phổ cập kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy các DN công nghệ số Việt Nam nghiên cứu, phát triển các nền tảng số; thúc đẩy các DN Việt Nam đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, chuyển đổi số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng giống như những nền tảng mạng xã hội đã thông dụng nên không phải là cái gì quá ghê gớm. Không cần phải làm gì trước khi nền tảng số chưa đến. Khi có nền tảng rồi thì chỉ cần mở ra thao tác, tìm tòi vài phút là có thể thực hiện được. Điều cần lưu ý và quan trọng nhất là quá trình bảo mật thông tin khi sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng. Chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu. Điều quan trọng nhất là phải biết mình cần gì, muốn gì và phải làm gì. Chuyển đổi số hướng tới là thay đổi cách làm, ví dụ như hiện nay đã có nền tảng số để việc chuyển tiền chỉ mất vài phút là xong. Chuyển đổi số hướng tới người dùng cuối cùng.

5 Thông điệp quan trọng của Chính phủ

Tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh 5 Thông điệp quan trọng của Chính phủ, đó là: Thứ nhất: Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.

Thứ hai: Nâng cao tỉ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm. Thứ ba: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Thứ tư: Các DN cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN.

Thứ năm: Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, DN hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết 6 tháng đầu năm, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41 %. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP. Để hiện thực hoá mục tiêu này, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương với mục tiêu đáp ứng và giải quyết mọi nhu cầu để đảm bảo lợi ích của người dân và DN trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ.
Vì sao ngày 10/10 được chọn là Ngày chuyển đổi số quốc gia?
Trải nghiệm chuyển đổi số với 1 chạm, 4 thao tác tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.