Kiến nghị liên quan đến bất cập trong kinh doanh xăng dầu

36 DN kinh doanh xăng dầu tại TP HCM vừa có văn bản đồng loạt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những bất cập trong việc kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các DN này cho biết, việc điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề gây ra bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Theo các chuyên gia, không thể để tình trạng các DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài
Theo các chuyên gia, không thể để tình trạng các DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài

Liên bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm?

Kiến nghị của các DN nêu: Theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu: “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố”. Nhưng liên Bộ quản lý đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm. Tức là các DN phân phối đã tìm cách "lách"quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0 đồng). Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.

Các DN cho hay: “Chúng tôi thấy, với quan điểm đè giá, chẳng hạn như giá xăng dầu theo thị trường là 20.000 đồng nhưng muốn điều hành giá còn 19.000 đồng; giá thị trường 50.000 đồng thì muốn đè xuống còn 49.000 đồng lấy đó làm thành tích quản lý thì chúng tôi cho rằng, việc bất ổn sẽ còn kéo dài. Có rất nhiều giai đoạn DN bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải “chịu” bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà DN không được ngưng bán do Bộ Công Thương dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc DN bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ để ổn định thị trường.

Tại văn bản này, nhóm các DN đã đề nghị, khi kinh doanh xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ, tránh tình trạng “thả nổi” chiết khấu. Việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.

“Ngoài ra, khi xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới thì trước mắt chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ chứ không theo tỷ lệ không nhỏ hơn từ 6-7%/giá bán mỗi lít xăng dầu. Áp dụng theo tỷ lệ chứ không áp dụng theo số tiền cụ thể để nếu sau này giá xăng dầu tăng, giảm thì vẫn áp dụng ổn định” - các DN kiến nghị. Ngược lại, nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.

Yêu cầu giá cơ sở không đổi là không phù hợp

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 7 và 8//2022, Bộ Công Thương liên tiếp có công văn gửi Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) đối với nguồn trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

Bộ Công Thương nêu rõ, báo cáo tổng hợp về Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu, dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Ngày 6/10/2022, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức Premium trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022 để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của DN, giúp các DN tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo công văn của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương vào ngày 7/10/2022 về chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính nêu rõ: “Việc tăng giá Premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng trong giá cơ sở sẽ tác động làm tăng giá cơ sở, qua đó tác động làm tăng giá xăng dầu trong nước (giả định các yếu tố hình thành giá cơ sở khác không thay đổi).

Vì vậy, cần sự chia sẻ trong bối cảnh khó khăn chung giữa Nhà nước, người dân và DN. Hiện nay, nhà nước không quy định chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vì yếu tố này phụ thuộc vào cung-cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên”.

Trước những diễn biến trên, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể để tình trạng DN kinh doanh xăng dầu “càng bán càng lỗ”, để tháo gỡ khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cần sớm điều chỉnh mức Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát. Nhằm đảm bảo lợi nhuận cho DN.

Đặc biệt để giải quyết vấn đề, cần tổ chức một buổi đối thoại giữa các bên liên quan dưới sự tham gia của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hiệp hội Xăng dầu, các DN kinh doanh xăng dầu, để tháo gỡ dứt điểm vấn đề này. Vì nếu để tình trạng các DN bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và sự vận hành của nền kinh tế, bởi xăng dầu là hàng hóa thiết yếu tác động mạnh đến hoạt động DN và đời sống người dân.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức Premium trong nước chỉ giải quyết khó khăn tạm thời. Do đó, việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tăng 2 loại phí này mà yêu cầu giá cơ sở không đổi là không phù hợp.
Đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống
Bộ Tài chính lên tiếng về chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu
Đảm bảo việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước
Nhiều cây xăng hết hàng, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo khẩn

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.