Rà soát, chấn chỉnh và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản:

Kỳ 3: Gỡ những vướng mắc để “thúc” tiến độ

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Khu đấu giá đất tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh
Khu đấu giá đất tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh

Siết chặt quản lý trong đấu giá đất

Cùng với việc tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để "thúc" tiến độ, từ đầu năm đến nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, "siết chặt" quản lý trong đấu giá đất đai; kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản, nhất là các khu vực ven đô.

Để hoàn thành mục tiêu, hàng loạt đợt đấu giá đất tại khắp các quận, huyện trên địa bàn TP sẽ được thực hiện. Điển hình, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Theo đó, tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 8 thửa đất có tổng diện tích 766,8m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 80 m2 đến 101,8m2.

Giá khởi điểm của 8 thửa đất là từ 1,04 đến 1,79 triệu đồng/m2. Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 15/9 đến 17h ngày 7/10 tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Cuộc đấu giá dự kiến được tổ chức ngày 10/10 tại hội trường UBND xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.

Tại huyện Đông Anh, cũng có thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng 27 thửa đất để xây dựng nhà ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2). Diện tích các thửa đất từ 90m2 đến 164,17m2, mức giá khởi điểm từ 28,8 đến 33,7 triệu đồng/m2. Cuộc đấu giá dự kiến được tổ chức ngày 15/10.

Đầu tháng 10 tới đây, huyện Sóc Sơn cũng dự kiến tổ chức đấu giá 12 thửa đất tại 2 thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông, xã Mai Đình, nằm gần sân bay quốc tế Nội Bài và tiếp giáp với Cụm Công nghiệp CN2 đang trong quá trình triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật. Giá khởi điểm dự kiến là 41 triệu đồng/m2.

Trong số 12 thửa đất được huyện Sóc Sơn đưa ra đấu giá đợt này, 11 thửa người tham gia đấu giá phải đặt trước 779 triệu đồng, 1 thửa phải đặt trước hơn 1 tỷ đồng. Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%. Tầng cao tối đa xây dựng đối với 12 thửa đất đấu giá theo quy định là 6 tầng.

Có một thực tế là các đợt đấu giá đất đã được thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn TP luôn diễn biến rất “nóng”. Minh chứng là các lô đất có mức trúng đấu giá chênh hàng chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Đơn cử như tại huyện Mê Linh, các cuộc đấu giá đất đã ghi nhận mặt bằng giá mới được xác lập. Dù trong phiên đấu giá gần nhất ở huyện Mê Linh đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tổng số tiền trúng đấu giá của 12 thửa đạt gần 43,5 tỷ đồng, cao hơn 10,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Các vụ đấu giá diễn ra liên tục là lý do trong thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, "siết chặt" quản lý trong đấu giá đất đai.

Đông đảo khách hàng tham gia cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai
Đông đảo khách hàng tham gia cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thanh Oai

UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản “gỡ khó”…

Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá khoảng 1.561,42ha đất tại 634 dự án. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội mới tổ chức đấu giá khoảng 5,87ha tại 33 dự án. Số tiền trúng đấu giá đạt khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu được hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 25% chỉ tiêu đề ra (trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng).

Lý giải kết quả này, GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Bùi Duy Cường cho rằng, bên cạnh các vấn đề pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai có nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện thì việc xác định giá khởi điểm vẫn còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc, các đơn vị tư vấn đấu giá có tâm lý e ngại. Mặt khác, công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, một số nơi vẫn còn có sai sót trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá.

Theo phản ánh của các địa phương, khó khăn hiện nay là chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong triển khai bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện dự án đấu giá; nhiều dự án đầu tư phải thiết lập lại hồ sơ về quy hoạch, thủ tục đầu tư theo quy định như chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy định mới tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 và Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ...

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, siết chặt công tác quản lý trong hoạt động đấu thầu, đấu giá đất đai trên địa bàn. Cụ thể như Quyết định 24/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 27/2020/QĐ-UBND về đấu giá quyền sử dụng để giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất; Công văn 2269/UBND-TNMT tăng cường kiểm soát, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá; Công văn 2807/UBND-TNMT tăng cường công tác quản lý đất đai trong tình hình hiện nay.
Kỳ 1: Đấu giá, đấu thầu đất sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.