Rà soát, chấn chỉnh và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản:

Kỳ 2: Đấu giá trực tuyến sẽ tạo ra thị trường công khai, minh bạch

Hình thức đấu giá trực tuyến (ĐGTT) với nhiều ưu điểm, mọi hoạt động được thực hiện trên nền tảng internet góp phần hạn chế việc thông đồng, dìm giá và những can thiệp mang tính chủ quan trong hoạt động đấu giá…
Hình ảnh Cty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá tài sản trực tuyến
Hình ảnh Cty đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức đấu giá tài sản trực tuyến

Hình thức tổ chức đấu giá mới

Bộ Tư pháp hiện đang trong quá trình lấy ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Trong đó, định hướng quy định thực hiện tất cả các trình tự, thủ tục ĐGTT phải hoàn toàn trên môi trường internet. Định hướng này có khả thi?

Tính tới ngày 15/8/2022, cả nước có 8 tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện ĐGTT. Theo khảo sát, trên trang ĐGTT của Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, một số thủ tục ĐGTT được thực hiện theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đơn cử, đối với việc mua và nộp hồ sơ tham gia ĐGTT (đăng ký tham gia đấu giá), người tham gia đấu giá có thể mua và nộp hồ sơ trực tiếp tại TCĐGTS. Sau khi hồ sơ được đánh giá hợp lệ, người tham gia đấu giá sẽ được cấp tài khoản truy cập, được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá... Với cách thức trực tuyến, các cá nhân, tổ chức đã có tài khoản trên trang ĐGTT của Cty Lạc Việt sẽ dùng tài khoản đã được xác thực để tiến hành đăng ký tham gia đấu giá.

Trong khi đó, trang ĐGTT của Cty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam thực hiện ĐGTT với trình tự và thủ tục hoàn toàn trên internet. Theo đó, người tham gia đấu giá phải mở tài khoản trên trang. Sau khi tài khoản được xác nhận hợp lệ, người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản để tiến hành đăng ký tham gia đấu giá. Việc nộp tiền mua hồ sơ và tiền đặt trước được thực hiện theo hình thức chuyển khoản.

Còn trên trang ĐGTT của Cty Đấu giá hợp danh Rồng Việt, khách hàng tiến hành đăng ký tài khoản, sau đó mới được đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá được thực hiện bằng cách nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản.

Một số bất cập khi thực hiện ĐGTT

Theo tổng hợp của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, thực tế do quy định về hình thức ĐGTT chưa đầy đủ nên một số TCĐGTS lúng túng trong việc áp dụng; mỗi TCĐGTS thực hiện một cách khác nhau, không thống nhất và không đúng bản chất của hình thức ĐGTT.

Đơn cử, một số TCĐGTS hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thông qua email hoặc tài khoản trên trang ĐGTT đã được đăng ký; một số thì yêu cầu nộp trực tiếp qua đường bưu điện. Việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất như: một số TCĐGTS yêu cầu nộp tiền qua chuyển khoản ngân hàng, một số lại yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang ĐGTT đã cấp…

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/2017/NĐ-CP, toàn bộ quy trình tổ chức đấu giá từ niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức bán, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước đến việc tổ chức cuộc đấu giá, lập biên bản đấu giá đều được thực hiện trên môi trường internet thay vì một số công đoạn đang được thực hiện trực tiếp và một số công đoạn đang được thực hiện trực tuyến như quy định hiện hành.

Trong khi đó, một số đấu giá viên cho rằng, hiện nay một số trình tự, thủ tục ĐGTT được áp dụng song song giữa trực tiếp và trực tuyến bởi trình độ công nghệ thông tin của người tham gia đấu giá không đồng đều. Có người tham gia đấu giá vẫn lo sợ thao tác sai trên máy tính nên muốn tới trực tiếp địa chỉ của TCĐGTS để mua hồ sơ, được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác để thực hiện ĐGTT.

Mặt khác, pháp luật về đấu giá tài sản hiện nay cho phép các TCĐGTS không có trang ĐGTT được đi thuê (ký hợp đồng) với TCĐGTS khác có trang ĐGTT để tổ chức đấu giá bằng hình thức trực tuyến. Khi đó, TCĐGTS (bên thuê) cần các hồ sơ, giấy tờ để lưu lại cho quá trình thanh tra, kiểm tra sau này nên cũng thường sử dụng hình thức mua, nộp hồ sơ đấu giá trực tiếp… Với thực tế này, một số đấu giá viên cho rằng, cần đồng bộ các chính sách pháp luật đối với ĐGTT và cân nhắc tới thực tiễn hoạt động đấu giá, sự phát triển trình độ công nghệ, trình độ của người tham gia đấu giá để xây dựng chính sách pháp luật liên quan ĐGTT được hiệu quả, khả thi hơn.

Một số đấu giá viên chia sẻ, hiện các trang ĐGTT của các TCĐGTS hiện mới chỉ được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo hình thức ĐGTT mà thiếu vắng khâu kiểm tra, hậu kiểm khi các trang này vận hành một thời gian nhất định. Do đó, cần quy định cụ thể về thời gian tiến hành hậu kiểm các trang ĐGTT này. Ngoài ra, cần quy định thời gian tối thiểu của một cuộc ĐGTT để đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia đấu giá; tránh những cuộc ĐGTT chỉ được tổ chức trong thời gian 3 - 5 phút.

ĐGTT sẽ bảo đảm tính bảo mật, công khai, minh bạch rất cao

Chia sẻ về lợi ích của ĐGTT, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, GĐ Cty đấu giá hợp danh Lạc Việt cho biết, lần đầu tiên hình thức ĐGTT được đưa vào Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ tháng 6/2017 và Nghị định 62 đã có một chương quy định về phần ĐGTT. Tức là tổ chức đấu giá sẽ lập ra đề án xây dựng một hệ thống ĐGTT bao gồm bộ máy nhân sự, bảo mật thông tin, sever, phần mềm, website,... trong đề án, TCĐGTS phải trình bày hết, chi tiết mọi việc.

ĐGTT có lợi thế là sẽ ngăn chặn được hoàn toàn thế lực nào đó đứng ở cửa phòng đấu giá để o ép, đe doạ, không cho khác hàng trả giá như thực trạng đang diễn ra khi tổ chức đấu giá trực tiếp. Bởi lẽ, bản chất của ĐGTT là khách hàng không biết mình đang đấu với bao nhiêu người và với những ai. Do đó, ĐGTT sẽ rất khách quan, minh bạch, giá trả cao nhất luôn hiển thị trên màn hình, khách tham gia đấu giá thì sẽ hiển thị giá trả của mình trên màn hình để tự mình kiểm soát.

Các mức giá sẽ theo hình thức trả giá lên, đã có người trả giá rồi thì người khác buộc phải trả giá cao hơn mức trước đó nên sẽ không có câu chuyện trả trùng mức giá. Hết giờ đấu giá thì hệ thống mạng tự động ngắt không nhận các lệnh trả giá. Biên bản đấu giá được lập trình sẵn sẽ gửi đến email của khách hàng trúng đấu giá ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá.

Theo bà Hạnh, hơn 2 năm Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt được cấp phép tổ chức ĐGTT, Cty này đã đấu giá được 290 cuộc với 344 tài sản đấu giá thành công và giá trị tài sản đã bán khoảng 2.076 tỷ đồng.

Ông Quản Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Đấu giá Hà Nội, Tổng GĐ Cty Đấu giá hợp danh số 5 cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa, ĐGTT sẽ mở ra một trang mới, hướng tới những cuộc đấu giá không bị giới hạn về thời gian, không gian và vị trí địa lý. Người tham gia đấu giá dù ở bất kỳ nơi nào cũng chỉ cần có máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng internet là có thể đăng ký tham gia không chỉ một mà nhiều cuộc đấu giá cùng lúc. ĐGTT đang được kỳ vọng tạo ra thị trường mua bán công khai, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin của khách hàng.

Ưu điểm của ĐGTT là nó có tính bảo mật, tính công khai minh bạch rất cao, giảm thiểu tình trạng thông đồng dìm giá và có thể cho phép nhiều người ở tất cả các địa phương, địa điểm tham gia đấu giá cùng lúc. Tuy nhiên, khó khăn là đòi hỏi tổ chức ĐGTT phải có một cơ sở vật chất tốt, đáp ứng đầy đủ các điều kiện khắt khe, đặc biệt là phần mềm ĐGTT phải hiện đại và đội ngũ nhân viên kỹ thuật để vận hành phần mềm này phải chuyên nghiệp.

Liên quan đến ĐGTT, tại Hà Nội, từ năm 2020, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã phê duyệt tổ chức ĐGTS đủ điều kiện thực hiện ĐGTT với Cty đấu giá hợp danh số 5 quốc gia. Đây là tổ chức đấu giá tài sản đầu tiên trong cả nước đủ điều kiện thực hiện ĐGTT theo quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016. Cty này đã xây dựng phần mềm có thể tổ chức cho hàng trăm nghìn người tham gia trên web đấu giá trực tuyến http://daugiaso5.vn (http://daugiaviet.vn).
Kỳ 1: Đấu giá, đấu thầu đất sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn Kỳ 1: Đấu giá, đấu thầu đất sẽ ngày càng minh bạch, công bằng hơn

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.