Người thầy tuyệt vời

Nhân cách cao đẹp của người thầy chính là ánh lửa luôn thắp sáng hành trình của học trò. Sau này, dù có ở vị trí nào trong xã hội thì họ vẫn luôn nhớ về những người thầy tuyệt vời đã từng dạy dỗ mình với tấm lòng thành kính, yêu thương.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày nhỏ, mỗi lần lật giở đến trang sách có bài về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, tôi lại lặng người đi rất lâu. Tôi ngắm nghía thật kỹ bức tranh về thầy, đọc tỉ mỉ từng câu, từng chữ. Càng đọc, càng cảm thấy yêu mến, kính trọng nghị lực sống của thầy. Không chỉ riêng tôi mà nhiều thế hệ học sinh Việt Nam cũng đều trân trọng, ngưỡng mộ thầy Nguyễn Ngọc Ký bằng những tình cảm thiêng liêng nhất.

Hình ảnh cậu học trò bị liệt hai tay từ khi mới 4 tuổi nhưng vẫn muốn đến trường, nỗ lực viết bằng viên gạch kẹp ở ngón chân đã trở thành một ngọn lửa truyền cảm hứng mãnh liệt cho nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Cho dù, nhiều người chưa từng được gặp thầy hay học thầy nhưng ý chí, nghị lực của thầy là nguồn động viên, dẫn lối cho nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam không ngừng vươn lên, bồi dưỡng cả tâm hồn và trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Tôi coi thầy là tấm gương sáng để mình nhìn vào mỗi ngày và học tập. Nếu có gặp phải khó khăn, nản lòng thì tôi cũng không bỏ cuộc vì tôi nhớ đến đôi bàn chân kỳ diệu của thầy Ký. Thật khó khi ngay từ bé, thầy đã phải luyện viết bằng chân và còn viết đẹp, học giỏi. Thế thì cớ sao, tôi - một đứa trẻ lành lặn, được sống trong điều kiện đủ đầy lại không trân trọng những gì mình có để cố gắng, phấn đấu?

Sau này, tôi thích học môn Văn, đặc biệt phần nghị luận. Chỉ cần đề bài nói về nghị lực sống thì tôi luôn nhắc đến thầy, vì tôi tin thầy chính là minh chứng gần gũi, chân thật và lay động lòng người nhất. Thầy Ký đã đi xa nhưng những động lực và câu chuyện về bàn chân kỳ diệu của thầy vẫn còn sống mãi với thời gian, sẽ được lan tỏa đến nhiều thế hệ học sinh sau này.

Mới hôm qua, tôi được đọc câu chuyện thật đẹp về một người thầy giáo dạy môn Lịch sử, vốn là bố của thầy giáo tôi. Cuộc đời ông đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Không chỉ nổi tiếng là giáo viên dạy giỏi, chở nhiều “chuyến đò” học sinh đến bến bờ thành công, ông còn được nhiều thế hệ học sinh yêu mến, kính trọng vì sự hiền hậu, tấm lòng quan tâm, yêu thương học trò hết mực.

Học trò của ông còn nhớ mãi ký ức những năm học ở ký túc xá, đói quá, rủ nhau đi bới sắn “trộm” đúng đồi sắn nhà thầy giáo mình. Thầy bắt được quả tang nhưng không mắng mỏ mà còn nhổ thêm cho các trò vài gốc sắn nữa về luộc ăn với nhau cho đỡ đói lòng, để mai có sức lên lớp. Có lẽ, tấm lòng yêu thương, ấm áp, sự tử tế của thầy chính là động lực để các học trò dù cuộc sống thời đó nhiều khó khăn vẫn cố gắng vươn lên, để thành công như ngày hôm nay.

Tôi rất thích câu nói của Usinxki: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. Nhân cách cao đẹp của người thầy chính là ánh lửa luôn thắp sáng hành trình của học trò. Sau này, dù có ở vị trí nào trong xã hội thì họ vẫn luôn nhớ về những người thầy tuyệt vời đã từng dạy dỗ mình với tấm lòng thành kính, yêu thương.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.