Nâng cao vai trò của báo chí trong thực hiện công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện

Vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò của báo chí trong thực hiện công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Nâng cao vai trò của báo chí trong thực hiện công tác phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện
PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh, công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội; phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ… là 2 trong những hoạt động trọng tâm của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thời gian qua, hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam đã luôn chú trọng thực hiện đúng nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để hoạt động báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam phát huy được thế mạnh, thực hiện đúng vai trò là cơ quan ngôn luận, cơ quan thông tin hữu hiệu của Đảng, Nhà nước thì các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Theo Ths. Lê Thanh Tùng - Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA, hiện VUSTA có một hệ thống báo chí lớn nhất cả nước. Thống kê chưa đầy đủ Liên hiệp Hội hiện đang có 69 tạp chí, 1 nhà xuất bản và 1 Báo. Tuy nhiên báo chí của của Liên hiệp hội trong thời gian qua chưa phát huy hết vai trò và chức năng của mình đối với các nhiệm vụ của Liên hiệp hội Việt Nam.

Ths Bùi Kim Tuyến - Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội - VUSTA khẳng định, vai trò của báo chí rất quan trọng và là một kênh tư vấn, phản biện hiệu quả. Bên cạnh đó, báo chí còn là công cụ để lan tỏa thông điệp tư vấn phản biện cũng như góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, báo chí cũng đã góp phần tạo sự công khai, minh bạch, dân chủ đối với các vấn đề về tư vấn phản biện.

Đánh giá về vấn đề giám sát xã hội mang tính xây dựng của báo chí hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Hà Nội mới cho biết, từ năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hoạt động giám sát xã hội của báo chí nước ta đạt được những kết quả rất to lớn, phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số khuynh hướng bất cập, như trong thực tiễn, thích thổi phồng tin tiêu cực, phanh phui vấn đề mà không quan tâm đến việc có giải quyết được vấn đề hay không, trong nhận thức chỉ nhấn mạnh cách đưa tin khách quan của báo chí mà bỏ qua hiệu quả và hiệu ứng xã hội. Thời gian qua, hoạt động giám sát xã hội ở nước ta gặp không ít khó khăn, nhất là việc thực thi chức năng giám sát của báo chí đối với xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận; đồng thời cần nâng cao trình độ giám sát, trình tự giám sát và kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.

Nhận định về một số bất cập, tồn tại của báo chí nói chung hiện nay, nhà báo Lê Hồng - Ban Truyền thông VUSTA chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thị trường, một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, sa đà vào việc đưa tin tiêu cực và tệ nạn xã hội. Khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để kinh doanh báo chí ngày càng tăng. Một số cơ quan báo chí và nhà báo sa đà vào các thông tin giật gân, mê tín dị đoan, bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí nói chúng. Đây là xu hướng đáng báo động trong hoạt động báo chí...

Nhà báo Bùi Hoàng Tám - Báo Dân trí bày tỏ: Nói về phản biện tức là bày tỏ những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau xung quanh một vấn đề, một sự kiện nào đó. Vậy muốn có sự phản biện trước hết cần tôn trọng sự khác biệt. Nói cách khác, không có sự khác biệt, sẽ không có phản biện. Phản biện trên cơ sở khoa học nhưng cần phải trên tinh thần thuyết phục. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành bại của phản biện. Muốn thuyết phục, ý kiến phản biện phải khách quan, trung thực và không có động cơ cá nhân. Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà cần phải có nghệ thuật thuyết phục. Thái độ của người phản biện là vô cùng quan trọng. Một ý tưởng rất hay, rất đúng, rất trung thực và thẳng thắn chưa chắc đã được chấp nhận nếu như không có cách nói, cách viết thuyết phục. Nghệ thuật của phản biện chính là sự thuyết phục.

Nhà báo Trần Trọng An - Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới cho hay, thông tin chỉ là một trong những luồng dữ liệu đầu vào của kiến thức. Thông tin đi rất nhanh. Kiến thức cũng bị cũ đi, nhưng chậm hơn. Nếu một tin tức hoặc một bài báo chứa thông tin bị cũ đi theo phút, theo giờ, thì "tuổi thọ" của một bài báo chứa kiến thức có thể tính theo tháng, theo năm, thậm chí lâu hơn. Môi trường Internet là nơi người dùng có nhiều lựa chọn hơn, có thói quen xem lướt qua hơn, thích những gì theo trend hơn. Do vậy, việc phổ biến kiến thức là một lựa chọn khó khăn hơn nhưng nếu kiến trì sẽ giữ chân được bạn đọc trung thành yêu tri thức... Khi kiên trì đi theo định hướng này, Tạp chí điện tử Gia đình mới đã ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, ít chịu sự cạnh tranh hơn so với việc hàng ngày phải cập nhật tin tức nóng.

PGS.TS Phạm Bích San - Tạp chí Kinh tế nghe nhìn Việt Nam cho rằng, khó khăn của các tờ báo hiện nay chính là không được “ngân sách nuôi”… để thoát ra khỏi khó khăn này nhiều tờ báo đã tăng lượng đọc giả bằng cách đưa thêm liều lượng của phản biện xã hội vào. Độc giả nay đã trưởng thành hơn và đã có một chút nhu cầu về tư vấn phản biện xã hội. Vấn đề ở đây là liều lượng và sự cân bằng giữa thông tin về kiến thức khoa học với thông tin về phản biện xã hội.

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.