Dòng tiền thôi dễ dãi, nhà đầu tư chứng khoán nản lòng

Trong bối cảnh dòng tiền thận trọng, thanh khoản vẫn ở mức khiêm tốn khiến cho cơ hội đầu tư hẹp hơn giai đoạn trước đây.
Dòng tiền thôi dễ dãi, nhà đầu tư chứng khoán nản lòng
Diễn biến thị trường điều chỉnh cũng làm nản lòng nhà đầu tư.

Vốn ngoại chịu áp lực

Thị trường chứng khoán trong nước giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp dưới tác động từ chứng khoán thế giới, khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn gấp rút nâng lãi suất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt lãi suất điều hành chủ chốt. Các mức lãi suất mới chính thức áp dụng từ ngày 23/9.

Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán trong nước. Theo nhiều chuyên gia dự đoán, dòng vốn ngoại có thể chịu áp lực rút ròng khỏi thị trường Việt Nam trong giai đoạn cuối năm nay. Thị trường nhiều khả năng có thanh khoản thấp, dao động quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên. VN-Index ít có cơ hội tăng cao, mà xu hướng đi ngang sẽ là chủ đạo.

Theo Công ty Chứng khoán VPS, thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chứ không chỉ từ quyết định của Fed. Tâm lý thận trọng, nghe ngóng đang chi phối rất lớn đến thị trường, dẫn đến dòng tiền tham gia yếu. Khối ngoại giảm mua ròng và quay lại xu hướng bán ròng, chưa kể diễn biến thị trường điều chỉnh cũng làm nản lòng nhà đầu tư.

Công ty Chứng khoán Agribank cũng nhận định, Fed sẽ có các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối năm nay và năm sau, ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán còn kéo dài. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi động thái bán ròng của khối ngoại, đặc biệt là quỹ đầu tư từ các nước phương Tây. Không những vậy, thị trường Việt Nam ngày càng liên thông với thế giới, khi thị trường quốc tế giảm điểm thì thị trường trong nước cũng chịu áp lực.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp do áp lực lạm phát chưa lớn. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng thì thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động lớn hơn, vì chi phí lãi vay của các doanh nghiệp tăng trong khi sức cầu tiêu thụ có dấu hiệu giảm, và dòng tiền có khả năng rút khỏi kênh chứng khoán để quay trở lại kênh tiền gửi.

Cửa hẹp hơn trước đây

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh dòng tiền thận trọng, thanh khoản vẫn ở mức khiêm tốn thì rõ ràng cơ hội đầu tư hẹp hơn giai đoạn trước đây. Hay nói cách khác, dòng tiền rẻ và dễ dãi không còn như trước.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khẳng định, trên thị trường vẫn còn không ít cơ hội đầu tư. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong quý cuối năm 2022 như xây dựng và vật liệu được hưởng lợi từ đầu tư công. Nhóm ngành bảo hiểm sau nhiều năm mới có sự tăng trưởng hơn 20% về lợi nhuận, nhờ kinh tế phục hồi và nhu cầu bảo hiểm quay lại sau đại dịch Covid-19, môi trường lãi suất, lợi suất trái phiếu ở mặt bằng cao hơn.

Nhóm ngành có nền tảng tăng trưởng tốt gồm công nghệ thông tin, bán lẻ, ngân hàng. Nhóm ngành ít bị tác động bởi lạm phát là điện, thực phẩm và đồ uống, thiết bị gia dụng, bao bì đóng gói, dược. Một số mã cổ phiếu tiềm năng có thể xem xét đầu tư như: VNM, FPT, HPG, SAB, BMP, MWG, DRC, VCG.

Công ty Chứng khoán Agribank đưa ra dự báo, dòng tiền từ nay tới cuối năm có xu hướng rút ròng do sự tăng lên của lãi suất cũng như tỷ giá USD/VND. Mặc dù vậy, tại các nhịp chiết khấu sâu của thị trường, lực cầu bắt đáy có thể xuất hiện và kéo thanh khoản đi lên. Giá trị giao dịch trong trung và dài hạn dao động từ 15.000 - 20.000 tỷ đồng. Dòng tiền sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ theo từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu.

Cơ hội trong giai đoạn cuối năm sẽ tập trung vào nhóm ngành dự kiến có kết quả kinh doanh khả quan như bán lẻ, dịch vụ, xây dựng hạ tầng, hàng không, du lịch, nhóm ngành phòng thủ có tính thiết yếu và ít biến động so với chu kỳ kinh tế như điện hay dầu khí.

Chứng khoán Agribank khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu đầu ngành của những ngành trên do có lợi thế cạnh tranh rõ ràng, sức khỏe tài chính tốt và độ ổn định cao để nắm giữ lâu dài.

Tăng cường giám sát giao dịch chứng khoán, bảo đảm ổn định thị trường Tăng cường giám sát giao dịch chứng khoán, bảo đảm ổn định thị trường

Diệu Chi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.