Huyện Đan Phượng, Hà Nội:

Vận dụng tốt nguồn xã hội hóa trong bảo vệ di tích lịch sử

Với số lượng di tích lịch sử phong phú, đến nay UBND huyện Đan Phượng cùng các phòng, ban chuyên môn đã vận dụng nhiều sáng kiến nhằm bảo vệ tốt các di tích. Việc vận động các cá nhân, tổ chức, DN trong và ngoài huyện đóng góp công sức, vật chất đã giúp nhiều di tích nhanh chóng được tu bổ, tôn tạo, bảo vệ được giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương và quốc gia.
Di tích lịch sử Quốc gia chùa Đông Khê, xã Đan Phượng                Ảnh: T.L
Di tích lịch sử Quốc gia chùa Đông Khê, huyện Đan Phượng. Ảnh: T.L

Phong phú các di tích lịch sử

Trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 155 di tích, bao gồm 56 chùa, 53 đình làng, 20 đền, 12 miếu, 08 quán, 01 lăng, 01 văn chỉ và 04 nhà thờ họ. Về xếp hạng di tích, đến nay có 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 37 di tích cấp Quốc gia; 35 di tích cấp TP. Cùng với đó có 05 địa điểm được TP gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến là: chùa Đôi Hồi, xã Song Phượng; đình Chợ Dày, xã Liên Hà; Tượng đài chiến thắng chợ Gốc Ngô, xã Trung Châu; đình Sông và công trình phân lũ sông Đáy đều đóng trên địa bàn xã Đồng Tháp.

Không chỉ phong phú về số lượng di tích, huyện Đan Phượng còn được biết đến với những lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội miếu Voi Phục và Lăng Văn Sơn, xã Tân Hội gắn với chèo tàu; Lễ hội đền Đầm Giếng, xã Thượng Mỗ gắn với ca trù; Lễ hội đình Bá Dương gắn với hội thả diều sáo; Lễ hội đền Bồng Lai, đình Vạn Vỹ, xã Hồng Hà gắn với bơi chải…

Nhằm phát huy hơn nữa các giá trị di tích lịch sử, UBND huyện, Phòng Văn hóa và thông tin huyện đã phối hợp với Chi cục Văn thư lưu trữ - Sở Nội vụ Hà Nội thực hiện khảo sát và biên dịch tư liệu Hán - Nôm tại di tích Miếu Voi Phục, xã Tân Hội để phục vụ lưu trữ, bảo tồn và nghiên cứu khoa học. Tiếp đó là Đề án Lập hồ sơ khoa học hệ thống di vật, cổ vật và biên dịch tư liệu Hán Nôm tại 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 02 di tích liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của huyện.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, công tác quản lý và khai thác giá trị của các di tích luôn được các cấp chính quyền quan tâm, khu vực di tích được quản lý nguyên hình nguyên dạng theo Luật Di sản văn hóa, không bị xâm lấn. Các di tích sau khi được xếp hạng được bảo vệ tốt hơn.

Một số địa phương Nhân dân tự nguyện di dời để mở rộng di tích như ở các xã, thị trấn Liên Hồng, Đan Phượng, Phương Đình, thị trấn Phùng, Đồng Tháp. Hệ thống di vật, cổ vật quý, có giá trị cao về văn hóa, lịch sử ở các di tích được bảo vệ nghiêm ngặt, không xảy ra hiện tượng mất cắp. Các hoạt động ở di tích được quản lý chặt chẽ, không xảy ra hoạt động mê tín dị đoan.

Phòng Văn hóa và thông tin thường xuyên kiểm tra tình trạng xuống cấp của di tích để kịp thời xây dựng phương án tu bổ. Các di tích xuống cấp trầm trọng và có dấu hiệu xuống cấp đều được UBND các xã kịp thời báo cáo UBND huyện, đề nghị được tu bổ, tôn tạo. Quá trình thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện theo đúng quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng, có sự giám sát của Nhân dân.

Vận dụng linh hoạt các nguồn xã hội hóa trong phát huy giá trị di tích

Theo ông Nguyễn Đức Thuận, Phó trưởng Phòng Văn hóa và thông tin huyện Đan Phượng, huyện có mật độ di tích dày đặc, nhiều di tích đã và đang xuống cấp trong khi nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp thiếu nên ảnh hưởng đến giá trị của di tích.

Nhiều di tích lịch sử trong quá trình tu bổ, tôn tạo… đã nhận được sự chung tay ủng hộ về vật chất, công sức của Nhân dân, các mạnh thường quân. Chẳng hạn, giai đoạn 2011- 2020, trên địa bàn huyện có 70 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng mức đầu tư khoảng 404 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách đầu tư 178,8 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 228,6 tỷ đồng. Đặc biệt, 54 di tích được tu bổ hoàn toàn do Nhân dân đóng góp 100% kinh phí.

Đại bộ phận Nhân dân ở các địa phương đều tự nguyện ủng hộ công sức, tiền của để tu bổ di tích. Nhiều cá nhân, tổ chức, DN… trong và ngoài huyện có lòng hảo tâm đóng góp hàng tỷ đồng. Ngay như quá trình thực hiện khảo sát, kiểm kê, biên dịch bộ mộc bản “Cổ Kim Truyền Lục” tại đền Văn hiến và các văn tự Hán-Nôm tại các di tích đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến, chùa Hải Giác, xã Hạ Mỗ để nhằm làm rõ hơn về di sản văn hóa vùng Ô Diên do UBND huyện tiến hành cũng nhận được nguồn ủng hộ kinh phí từ một số DN.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng nhấn mạnh, việc xã hội hóa được thực hiện đúng quy định, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Uỷ, chính quyền địa phương, sự giám sát của các tổ chức và Nhân dân địa phương đảm bảo công khai, quản lý thu, chi minh bạch, không xảy ra tình trạng bổ bán. Một số nơi tập trung nguồn xã hóa gửi vào tài khoản UBND xã để thực hiện tu bổ di tích. Không nơi nào để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; một số di tích còn dư kinh phí tu bổ tôn tạo như di tích Đền Nhà Bà, xã Liên Hà, Chùa Bá Thị, xã Hồng Hà.

Hiện, UBND huyện đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khơi dậy tinh thần yêu quê hương, lòng hảo tâm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện. Cùng với đó huyện tiếp tục kiến nghị tới UBND TP Hà Nội và các Sở, ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ đầu tư kinh phí thực hiện tu bổ, tôn tạo đối với các di tích của huyện đã đề nghị đưa vào kế hoạch bảo tồn, chống xuống cấp, phát huy giá trị các di tích kết hợp phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 của TP.

UBND huyện Đan Phượng đang tiếp tục thực hiện đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa xếp hạng cấp Quốc gia thuộc huyện Đan Phượng giai đoạn 2018-2025; Rà soát, đánh giá những di tích xuống cấp đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào Danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025, sắp xếp hợp lý để bố trí nguồn vốn ngân sách kết hợp với nguồn xã hội hóa thực hiện tu bổ tôn tạo, chống xuống cấp.

Tiếp tục kiểm tra, đánh giá những di tích (cả trong Đề án và ngoài Đề án) xuống cấp, có dấu hiệu xuống cấp để bổ sung vào Danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025, sắp xếp hợp lý để thực hiện tu bổ tôn tạo.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chùa Bút Tháp
Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di dản văn hóa Việt Nam
Hà Nội có thêm một di tích quốc gia
Cận cảnh di tích quốc gia đặc biệt Đình Chèm trước và trong khi tu bổ
Đình Đông Đạo, nét đặc sắc của một di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật

Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.