Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính

Công tác cải cách hành chính luôn được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu đột phá của UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm).
Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận "một cửa" UBND phường Tây Mỗ. (Ảnh: Duy Linh)

Bởi vậy, UBND phường luôn quan tâm, củng cố, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng và hoàn thiện quy trình giải quyết công việc; đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, UBND phường Tây Mỗ đã triển khai kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 15/2/2022 của UBND quận Nam Từ Liêm thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2022. Dựa trên tinh thần chỉ đạo chung của quận, UBND phường Tây Mỗ cũng đã xây dựng Kế hoạch số 971/KH-UBND ngày 10/7/2021 về cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 17/2/2022 về thực hiện công tác cải cách hành chính; Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 8/4/2022 thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn...

Bên cạnh đó, lãnh đạo Đảng ủy – UBND phường đã chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, bộ phận chuyên môn tích cực tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính với nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo thống nhất cao trong tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, công chức về các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp cải cách hành chính, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của UBND phường.

Cụ thể, phát huy vai trò đứng đầu trong công tác CCHC Nhà nước, Chủ tịch UBND phường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cán bộ, công chức tích cực thực hiện công tác CCHC trong cơ quan. Việc tổ chức triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính thường xuyên được lồng ghép trong các kỳ giao ban hàng tháng của phường.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga, cán bộ Tư pháp phường Tây Mỗ cho biết, lãnh đạo UBND phường hết sức chú trọng việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân. Chủ tịch UBND phường và lãnh đạo UBND phường trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của người dân, từ đó kịp thời chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện tốt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt trong công tác tiếp dân và giải quyết các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra cũng được UBND phường thực hiện nghiêm túc. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, các bộ phận chuyên môn tự kiểm tra và đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tiếp nhận tại bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, kiểm tra giải quyết hồ sơ trên phần mềm “một cửa”.

UBND phường đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đồng thời triển khai thực hiện đảm bảo thời gian, hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản có quy định TTHC, triển khai thực hiện đúng quy định công bố, công khai TTHC, danh mục TTHC, niêm yết công khai tại nơi giải quyết TTHC….

Công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, như: tuyên truyền tại các hội nghị; tại các cuộc họp giao ban, họp triển khai nhiệm vụ của các đơn vị; thông qua mạng nội bộ chuyển văn bản tới toàn thể công chức trong cơ quan; qua đài truyền thanh, các hội nghị Nhân dân, các kênh số liên lạc điện tử, các nhà trường…

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính
Người dân được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại UBND phường. (Ảnh: Duy Linh)

Đặc biệt, UBND phường Tây Mỗ đã đăng ký, triển khai, áp dụng mô hình “Ngày thứ Tư không viết” trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Bộ phận "một cửa" của phường. UBND phường tiếp tục thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến, qua đó, giảm thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí cho người dân trong việc thực hiện TTHC. Triển khai thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Ngoài ra, công tác xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số cũng được UBND phường Tây Mỗ đặc biệt chú trọng. Cụ thể, UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số, trọng tâm phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đổi mới phương thức hội họp, lồng ghép nhiều nội dung trong hội nghị để giảm thời gian hội họp và số lượng văn bản, tài liệu trao đổi giữa cán bộ chuyên môn với lãnh đạo và các Tổ dân phố; Chuyển và nhận văn bản qua hệ thống quản lý phần mềm văn bản, không gửi bản cứng, trao đổi văn bản điện tử trong nội bộ cơ quan thông qua thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng hộp thư điện tử thường xuyên trong công việc duy trì đạt 100%.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ phận "một cửa" UBND phường Tây Mỗ đã tiếp nhận tổng cộng 5957 hồ sơ. Trong đó, đã giải quyết 5943 hồ sơ, 13 hồ sơ đang giải quyết. Hồ sơ giải quyết trước hạn 4947 hồ sơ đạt 83,2%; giải quyết đúng hạn 990 hồ sơ (đạt 16,7%); hồ sơ quá hạn 6 hồ sơ (chiếm 0,1%, đây là 6 hồ sơ trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, lao động thương binh xã hội trễ hạn là do thao tác trên phần mềm bị chậm, còn kết quả trả là đúng hạn); hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 459/459 hồ sơ, đạt 100% đúng hạn và trước hạn.

Hà Nội ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2022
Rà soát, đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính phải thực hiện thường xuyên, có trọng tâm
Sở Tài Chính, quận Cầu Giấy đứng đầu chỉ số Cải cách hành chính năm 2021
Hà Nội triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính

Duy Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.