Hà Nội: Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3010/UBND-SNV về triển khai Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 13/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giờ làm việc.
UBND cấp huyện, UBND cấp xã bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giờ làm việc.

Công văn nêu rõ, các sở, cơ quan tương đương sở của thành phố được giao chủ trì, tham mưu các chỉ số nội dung, nội dung thành phần thuộc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch của đơn vị đã xây dựng; đồng thời tổ chức hướng dẫn về chuyên môn đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã, tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị theo ngành dọc tại cấp huyện, cấp xã về các nội dung liên quan Chỉ số PAPI.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Thanh tra thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Phụ lục 1, Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 13/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố Hà Nội năm 2022, gắn với báo cáo công tác cải cách hành chính quý III của đơn vị, chỉ rõ mức độ hoàn thành, đánh giá hiệu quả và lý do chưa thực hiện.

Đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch của địa phương, tập trung các chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong hoạch định chính sách; trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công. Bên cạnh đó, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, chịu trách nhiệm toàn diện của chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp xã. Thực hiện tốt quy định việc thường xuyên tiếp công dân và người đứng đầu tiếp công dân. Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ về các ý kiến đóng góp, kiến nghị, phát giác, thắc mắc của người dân; giải đáp, xử lý, điều chỉnh kịp thời, đúng quy định.

UBND cấp huyện, UBND cấp xã bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong giờ làm việc; giữ thái độ, tác phong đúng mực trong tiếp xúc với người dân; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức liên quan việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức. Duy trì việc đánh giá, khuyến khích các hình thức khen thưởng hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

UBND các xã, phường, thị trấn tăng mạnh về hình thức, nội dung, thời lượng, tần suất tuyên truyền tới tận người dân, nhằm mục tiêu nhiều người dân được biết thông tin; một người dân được biết nhiều lần, bằng nhiều kênh thông tin. Phát huy tối đa các phương thức tuyên truyền sẵn có (trang thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh, bảng thông báo, thông qua đội ngũ trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, Ban Công tác Mặt trận...); khuyến khích các hình thức tuyên truyền mới, phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ dân trí, xu hướng của từng khối đối tượng và khu vực dân cư (nhóm zalo, bảng quảng cáo điện tử...); tăng cường hình thức tuyên truyền trực quan dễ thấy, dễ tiếp cận tại nơi làm việc của chính quyền, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, bộ phận tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính...

UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy trình nội bộ các bước về công khai theo thẩm quyền; thực hiện công khai đúng quy định, đồng thời tăng thêm các hình thức, kéo dài thời gian công khai so với quy định để nhiều người dân được biết; bố trí vị trí thuận tiện để người dân dễ tiếp cận, nắm bắt và thực hiện giám sát.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện, sắp xếp, lưu giữ hồ sơ, sổ sách, tài liệu; đặc biệt liên quan việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư, theo dõi giải quyết thủ tục hành chính. Bố trí, sắp xếp phòng tiếp công dân, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính sạch sẽ, ngăn nắp, khoa học, thuận tiện cho người dân tiếp cận, tra cứu và giao dịch; khuyến khích trang bị thêm các thiết bị; tổ chức các hình thức, hoạt động hỗ trợ người dân đến giải quyết thủ tục hành chính hoặc đến giao dịch.

Hà Nội: Nâng cao yếu tố “Hạ tầng căn bản” trong Chỉ số PAPI
Hà Nội phấn đấu trung bình mỗi năm tăng ít nhất 5 bậc Chỉ số PAPI
Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Chỉ số PAPI của Hà Nội đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố

Quang Trung

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.