Phát triển nông nghiệp, nông thôn ở huyện Thạch Thất

Để nâng cao đời sống người dân, ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp...
Mô hình trồng hoa ly ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, cho hiệu quả cao.
Mô hình trồng hoa ly ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, cho hiệu quả cao.

Liên kết trong tiêu thụ nông sản

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn NTM (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); hoàn thành 9/9 tiêu chí về xây dựng huyện NTM theo quy định của Trung ương. Thu nhập bình quân của huyện đến hết năm 2020 đạt 70 triệu đồng/người/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2010.

Đến nay, huyện đã hình thành 690ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao; 285ha vùng sản xuất rau an toàn; 300ha vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 50ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 02 mô hình sản xuất rau hữu cơ; 06 mô hình sản xuất rau, củ, quả, thịt an toàn; 05 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 06 mô hình sản xuất theo chuỗi, các mô hình liên kết cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể lớn trên địa bàn Hà Nội.

Đáng chú ý, huyện Thạch Thất có xã Đại Đồng đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg công nhận huyện Thạch Thất, TP Hà Nội đạt chuẩn NTM năm 2020.

Để nâng cao đời sống người dân, ngoài phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo.

Ðến nay, huyện Thạch Thất đã hoàn thành dồn điền đổi thửa hơn 2.000 ha, đạt 105,5% diện tích thực hiện dồn điền đổi thửa so với kế hoạch. Toàn bộ diện tích gieo cấy lúa của huyện đều bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Ðặc biệt, địa phương đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

Ðến hết năm 2020, huyện có hơn 50 hợp tác xã (HTX). Tất cả các HTX đã chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật HTX năm 2012. Trong đó, không ít HTX nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên kết, hợp tác với nhau và với các DN, huy động vốn góp của các thành viên, cung ứng vật tư, giống, phân bón có chất lượng cho thành viên, hình thành các tổ sản xuất tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như việc liên doanh, liên kết trong tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân.

Nhiều sản phẩm OCOP

Về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Thạch Thất nằm trong nhóm các địa phương có nhiều sản phẩm OCOP của TP với 122 sản phẩm của 15 hộ sản xuất, kinh doanh và hai HTX nông nghiệp. Huyện tiếp tục nâng hạng các sản phẩm đã được đánh giá, phấn đấu đến hết năm 2025 có thêm 150 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Ví như, trang trại rau hữu cơ Hoa Viên nằm ở xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, cải tạo mảnh đất hoang thành mô hình trồng rau hữu cơ. Trang trại trồng hơn 50 loại rau khác nhau ở sáu chủng loại: rau đặc sản, rau ăn lá, củ quả, rau gia vị, hoa quả, thảo mộc.

Chủ trang trại Hoa Viên cho biết, quy trình trồng rau hữu cơ được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Rau được canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, bảo đảm tiêu chuẩn 5 không: không bón phân hoá học; không phun thuốc bảo vệ thực vật; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Rau được thu hái vào khoảng 4 đến 5h sáng hằng ngày và vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ trong nội thành Hà Nội. Mùa hè, trang trại đạt sản lượng 0,5 tấn/ngày, mùa đông đạt 1 tấn/ngày.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao của huyện. Ðể thực hiện mục tiêu này, địa phương luôn đẩy mạnh và khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích nông dân duy trì, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rau an toàn.

Có như vậy sản phẩm mới tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Một trong những điểm sáng về xây dựng NTM ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất là việc vận động người dân xóa bỏ lò gạch thủ công, chuyển sang chăn nuôi, ép mùn cưa làm than không khói. Do đó, môi trường sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021 - 2025
Hà Nội: Tập trung thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển nông nghiệp các tháng cuối năm 2021
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch
Hà Nội đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh
Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất

Nhật Nam

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.