Tạo điều kiện cho doanh nghiệp giới thiệu thương hiệu sản phẩm

Liên tiếp các sự kiện do TP Hà Nội tổ chức đã giúp các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn TP.
Hình ảnh tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022
Hình ảnh tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP

Tại Tuần lễ hàng Việt TP Hà Nội được tổ chức tại quận Long Biên từ 16 đến 20/9 đã thu hút trên 100 gian hàng của các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng Việt, thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, sản phẩm OCOP...

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó GĐ Sở Công thương Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 2.214 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 1.801 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 81,3% tổng mức, tăng 16,1%.

Tuy nhiên, dù tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đã tăng cao nhưng nhiều DN, hộ nông dân phản ánh, hiện việc tiêu thụ sản phẩm Việt nhất là mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây… gặp nhiều khó khăn.

Nhân đà thành công của Tuần hàng Việt đã tổ chức trước đó, tại quận Hai Bà Trưng, Tây Hồ và Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Tuần hàng Việt TP Hà Nội 2022 tại quận Long Biên.

Thông qua chương trình Tuần hàng Việt tại quận Long Biên, các DN đã có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt đến với người dân và du khách trên địa bàn TP. Người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, mua sắm tiêu dùng sản phẩm hàng hóa có chất lượng do các DN Việt Nam sản xuất.

Để đạt được hiệu quả thiết thực, bên cạnh sự vào cuộc của ngành công thương còn đòi hỏi các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ tới người tiêu dùng và du khách trong nước, quốc tế đến tham quan mua sắm.

Cùng với đó, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, khuyến mại hấp dẫn. Đặc biệt không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của DN.

Cũng trong dịp vừa qua, từ 16 đến 18/9, đã diễn ra Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022 các DN mong muốn quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, du lịch…

Xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) cho biết: TP đã ban hành Kế hoạch về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch tổ chức “Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022”. Festival diễn ra tại 4 huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Chương trình với phương châm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 và phát triển kinh tế nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tại Festival có sự góp mặt của 105 gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Nội. Trong đó, có 77 gian hàng của Hà Nội và 28 gian hàng của các DN, đơn vị đến từ 16 tỉnh, TP: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Ánh Dương - GĐ HPA khẳng định, các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống…

Đặc biệt, Festival có rất nhiều nội dung, hoạt động phong phú, tiêu biểu như, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống; quảng bá sản phẩm nông nghiệp gắn kết du lịch nông thôn tiêu biểu của TP Hà Nội và các địa phương; quảng bá ẩm thực truyền thống; các hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc huyện Ba Vì, trưng bày, giới thiệu làng họa sĩ Cổ Đô...

Đánh giá việc tổ chức Festival, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Festival sẽ là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì quảng bá các điểm đến du lịch, các nét văn hóa dân tộc Dao, Mường, cùng đó là các mô hình nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, tiêu biểu của địa phương đến với khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.

Hiện nay, TP Hà Nội có trên 9.900 sản phẩm nông sản thực phẩm, đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Đó chính là lợi thế lớn đối với TP Hà Nội trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, TP Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến tận tay người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang được người tiêu dùng tin dùng.

Thống kê của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới cho thấy, tính đến nay, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và công nhận hiện có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm: 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống 35 sản phẩm, ngành thảo dược 17 sản phẩm, ngành Thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
Hà Nội tăng cường sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao
Khai mạc Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2022

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.