Ôm đất khi “sốt” nhiều nhà đầu tư lao đao

Hàng loạt các sàn giao dịch bất động sản ở các huyện ngoại thành Hà Nội rơi vào tình trạng vắng vẻ, sau cơn sốt đất nhiều nhà đầu tư “đu đỉnh” giờ đang chịu áp lực bắt đầu cắt lỗ, bán tháo.

Bất chấp dịch bệnh bắt đầu từ đầu năm 2021, giá nhà đất tại nhiều khu vực trên cả nước bỗng lên cơn "sốt", thị trường đất ven đô Hà Nội như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất; Sơn Tây, Hòa Lạc, Quốc Oai... cũng không ngoại lệ. Đã có thời điểm giá đất ở hàng loạt các khu vực ven đô tăng bình quân tăng khoảng 20 – 30%. Thậm chí có nơi tăng 50%.

Tuy nhiên, thị trường qua cơn sốt đất bắt đầu có sự điều chỉnh lại, cùng với các chính sách của nhà nước nhắm kìm chế các cơn sốt ảo đã khiến thị trường bất động sản chững lại, khiến cho nhiều nhà đầu tư tay ngang chôn vốn và buộc phải cắt lỗ hàng trăm triệu đồng một lô đất.

Ôm đất khi “sốt” nhiều nhà đầu tư lao đao
Bật động sản ven đô hạ nhiệt ( ảnh minh hoạ)

Các vùng từng là điểm nóng từ cuối năm 2021 nay đã hạ nhiệt chững lại khá nhiều đặc biệt ở khu Hoà Lạc hiện tại giá đất dao động 10 - 20 triệu đồng/m2. Giá khu vực Đồng Mô, Yên Bài (huyện Ba Vì) giá khoảng 6 - 9 triệu đồng/m2 nhưng có diện tích lớn, tương đương giá trị 5-10 tỷ đồng/lô.

Tại huyện Hoài Đức, một trong những điểm nóng về đất đai tại Hà Nội, những ngày này trở nên vắng lặng. Nhiều văn phòng giao dịch bất động sản tại khu vực này thừa nhận, mới chỉ đầu năm nay, mỗi ngày văn phòng bán được 3 - 4 lô đất nhưng 2 tháng nay không bán được lô nào.

Các huyện ngoại thành khác như Thạch Thất, Mê Linh cũng có chung tình trạng giao dịch ảm đạm, giá đất đứng im các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục cắt lỗ.

Nguyên nhân khiến thị trường bất động sản trầm lắng

Việc đất sốt ảo đã không còn quá xa lạ đối với người dân. Khi cơn sốt xẩy ra nhiều môi giới đẩy giá nhằm trục lợi. Điều này làm méo mó cho thị trường bất động sản.

Để ngăn chặn tình trạng sốt ảo tạo nên nhiều hệ luỵ xấu cho xã hội thì Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Chỉ thị 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chính phủ yêu cầu cơ quan liên quan kiểm soát việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở…tại các khu vực chưa được cấp phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức cá nhân hành nghề môi giới bất động sản. Chấn chỉnh hành vi "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Các chuyên gia nhận định việc các môi giới bất động sản thổi các thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt "sốt đất ảo" diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thậm trí, nhiều khu vực không có người mua, không có giao dịch nhưng môi giới vẫn tạo sóng ảo, đăng thông tin khách chốt liên tục để người mua hiểu lầm. Việc lợi dụng nhưng thông tin quy hoạch chưa chính xác hoặc còn thiếu chưa đầy đủ không chỉ làm xấu đi hình ảnh môi giới bất động sản còn là nguồn cơn tạo nên các cơn sốt ảo vùng ven làm rối loạn thị trường. Nhà đầu tư cũng cần cẩn thận đối với chiêu trò tự phân lô những khu đất rừng, đất nông nghiệp rồi sau đó giao dịch.

Trên thực thế đã có hàng chục, hàng trăm vụ rao bán đất ảo, dự án ảo của “cò đất” bằng hình thức hợp đồng nhận cọc, phiếu đặt chỗ... diễn ra trên nhiều địa phương của cả nước khiến người mua đất rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”; dân nghèo vì thiếu hiểu biết dẫn đến trắng tay trong cơn sốt đất, bị cò dụ dỗ lừa sổ đỏ, mất đất, mất nhà... Mới gần đây, vụ “siêu lừa” địa ốc Alibaba có thể coi là bài học đắt giá với những ai đã và đang có ý định đầu tư vào dự án “ảo.”

Còn theo một số chuyên gia bất động sản khác, giá bất động sản tăng là xu hướng tự nhiên, nguyên lý của thị trường ở những khu vực được đầu tư hạ tầng đồng bộ nhưng nếu tăng nóng ăn theo quy hoạch, xây dựng hạ tầng thì đó là biểu hiện bất thường của hoạt động đầu cơ.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập nếu trên, Chính phủ yêu cầu rà soát lại các quy định của pháp luật để giải quyết các vấn đề trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản, không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý. Đẩy mạnh việc phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực mới cho thị trường phát triển.

Hồng Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.