Ngân hàng thời chuyển đổi số: Cuộc đua của "Nhà băng không giấy tờ"

Hình ảnh mô hình ngân hàng tự động dần thay thế các phòng giao dịch truyền thống. Xe ô tô lưu động, vay vốn trực tuyến, rút và gửi tiền thực hiện trên màn hình cảm ứng… sẽ là hình ảnh rất mới, hiện thực trong hoạt động ngân hàng tại các vùng nông thôn tới đây. Vận hành ngân hàng số đang là cuộc chạy đua, cạnh tranh không kém phần nghiệt ngã của các “nhà băng”!
Ngân hàng thời chuyển đổi số: Cuộc đua của
Mô hình ngân hàng số đầu tiên đã được Agribank vận hành từ ngày 6/9/2022

Đi tắt đón đầu

Vốn là một người đam mê công nghệ, được phân công chỉ đạo thực hiện đề án chuyển đổi số, ông Tô Đình Tơn – Phó TGĐ Agribank thẳng thắn: “Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, gần 4 triệu khách hàng vay vốn, phục vụ đối tượng chiếm 85% dân số cả nước, nhưng đúng có thời điểm dịch vụ của Agribank chỉ mạnh về số lượng, đơn điệu về tiện ích, thụ động về khai thác thị trường… Với chiến lược ngân hàng số, Agribank xác định phải “đi tắt đón đầu”, tiếp cận ngay với công nghệ hiện đại, vừa thực hiện vừa điều chỉnh phù hợp với cả thị trường đô thị lẫn khu vực đặc thù như nông thôn, nông nghiệp…”

Tại 77 Lạc Trung, con phố nhỏ thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã trở thành địa điểm khai trương mô hình ngân hàng số - Agribank Digital đầu tiên trên địa bàn cả nước, hoạt động 24/7 do chi nhánh Hà Nội quản lý, vận hành với sự có mặt của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội. Anh Lê Hoàng, một nhân viên văn phòng rất bỡ ngỡ với mô hình giao dịch không dùng giấy tờ mà thay vào đó là việc thực hiện các thao tác chụp ảnh, nhận dạng tự động vân tay, khuôn mặt. Chỉ chưa đầy 30 giây anh đã có thể thực hiện các giao dịch tài chính như rút tiền, gửi tiền…mà không cần dùng đến thẻ hay giấy tờ tùy thân.

“Với Agribank Digital, từ nay tôi không phải đến quầy giao dịch rút hay nộp tiền, chuyển tiền, thậm chí không cần Thẻ ngân hàng, không cần Căn cước công dân/Chứng minh thư, tôi vẫn có thể thực hiện được các giao dịch tài chính như mở tài khoản, vay vốn trực tuyến, gửi tiết kiệm, chuyển tiền thanh toán 24/7 chỉ trên một màn hình cảm ứng. Thực tế tôi chỉ mất chưa đến 3 phút đã có thể hoàn tất đăng ký một khoản vay vốn trên ki-ốt số của Agribank mà không cần tới quầy giao dịch. Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm tính năng này và thấy thật bất ngờ với tính tiện dụng của Agribank Digital”- anh Hoàng chia sẻ thêm sau khi sử dụng dịch vụ tại Agribank Hà Nội.

Ông Trần Văn Dũng – Thành viên HĐTV Agribank phân tích thêm: "Để trở thành một ngân hàng đi đầu trong chuyển đổi số, hàng loạt dự án, giải pháp về công nghệ đã được đề ra, thực hiện trên cả thị trường đô thị lẫn nông thôn như: Nhập khẩu và lắp đặt hệ thống ATM/CDM là loại thiết bị có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, thực hiện việc phát hành thẻ Lộc Việt…đã tạo tiền đề cho việc áp dụng mô hình Agribank Digital từ ngày 6/9/2022.

Theo đó, mô hình này sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một Ngân hàng, giúp khách hàng chủ động tiếp cận dịch vụ 24/7: Với phương án bảo mật là nhận diện khách hàng bằng công nghệ sinh trắc học hiện đại (khuôn mặt và vân tay) cùng với OTP (mã xác thực). Với một người dân chưa có tài khoản, chỉ cần mang theo Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, thực hiện các thao tác đơn giản là có thể nhanh chóng mở tài khoản tại ki-ốt ngân hàng số của Agribank. Khi đã có tài khoản tại Agribank, với việc thực hiện sinh trắc học vân tay, khuôn mặt, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính (rút tiền, gửi tiền…) mà không cần dùng đến thẻ hay giấy tờ tùy thân”.

Cạnh đó, với mô hình ngân hàng số của Agribank đặt ngay tại địa bàn dân cư, khách hàng sẽ thực hiên đăng ký vay vốn ngay trên hệ thống này. Sau khi đăng ký thành công, chỉ cần đến ngân hàng 1 lần để hoàn thiện thủ tục cho khoản vay. Có thể nói, việc mở rộng hệ thống này tại 16 chi nhánh trên địa bàn cả nước trong năm 2022 như: Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đồng Nai, Long An, Bến Tre…không chỉ là sự hiện diện, “phủ sóng” của công nghệ tiên tiến mà còn là bước tiến mới của việc “bình dân hóa” dịch vụ ngân hàng, gần gũi cộng đồng trong phát triển cũng như đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Tiện ích cho khách hàng

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và nhiều chuyên gia quốc tế, xét về ngân hàng số, Việt Nam không hề thua kém các quốc gia phát triển trên thế giới. Ngành Ngân hàng Việt Nam còn được đánh giá có tốc độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi. Tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng diễn ra đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tin tưởng: “Ngành ngân hàng hội tụ đủ yếu tố để tiên phong chuyển đổi số”.

Hiện, làn sóng chuyển đổi số rầm rộ giữa các ngân hàng kéo theo sự dịch chuyển liên tục của khách hàng, hướng về các ngân hàng có dịch vụ tốt, mang lại nhiều trải nghiệm tiện ích cho khách hàng. Trong thời gian tới đây, hàng loạt nhà băng sẽ chinh phục khách hàng bằng những dịch vụ của thời kỳ mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số cập nhật, tiện ích nhất: Theo đó, với tấm thẻ Căn cước công dân gắn chip, khi cần mở tài khoản ngân hàng, dù ở bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ nơi đâu, khách hàng chỉ cần tải app ngân hàng, thực hiện chụp hình Căn cước công dân và quét khuôn mặt là có thể mở tài khoản và bắt đầu các giao dịch trực tuyến trên Ngân hàng số Digibank.

Đặt ra, kiên trì mục tiêu chuyển đổi mô hình ngân hàng số trong bối cảnh hiện nay là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển bền vững, lâu dài của ngân hàng, các ngân hàng không bị mang tiếng “tụt hậu” đã liên tục ra mắt và cải tiến nhiều sản phẩm số nhằm đơn giản hóa quy trình, nâng cao số, chất lượng tiện ích dịch vụ hiệu quả, an toàn. Sự “bùng nổ” cạnh tranh trong thời gian tới đã và đang trở thành xu thế chủ đạo của việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, mà suy cho cùng, đối tượng được hưởng lợi lớn nhất vẫn là khách hàng.

Agribank ra mắt Ngân hàng số - Một chạm đa tiện ích
Techcombank chính thức ra mắt ngân hàng số dành cho doanh nghiệp
Xu thế phát triển ngân hàng số, tiền mã hóa trong thời đại công nghệ 4.0

Trường Lưu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.