Nông dân Hà Nội được tiếp cận khoa học kỹ thuật:

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập

Việc nông dân Hà Nội được tiếp cận khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trang trại nuôi 300 con don sinh sản và thương phẩm tại Phú Xuyên, Hà Nội mỗi năm có thể thu lợi từ 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng. 	Ảnh: Khánh Huy
Mô hình trang trại nuôi 300 con don sinh sản và thương phẩm tại Phú Xuyên, Hà Nội mỗi năm có thể thu lợi từ 900 triệu đến 1,1 tỷ đồng. Ảnh: Khánh Huy

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Ngày 30/8 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND về kế hoạch thúc đẩy tái sử dụng, tái chế biến chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn kết chuỗi giá trị nông sản hữu cơ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Theo kế hoạch, các Sở, ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp tích cực với Sở NN&PTNT Hà Nội thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; khuyến khích phát triển các phương án ứng dụng công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải nông nghiệp, phế phụ phẩm nông nghiệp gắn với chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; bảo đảm môi trường sống người dân khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh. Đặc biệt là thay đổi thói quen, nhận thức và tư duy của người sản xuất, không chỉ đối với những cơ sở sản xuất nông sản hữu cơ, mà còn tác động đến toàn dân, nhằm hướng đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp sức vào công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn và hướng tới kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Toàn TP phấn đấu, 100% người dân nông thôn được tiếp cận thông tin về thu gom, xử lý tái chế biến chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường gắn kết chuỗi giá trị nông sản hữu cơ thông qua các phương tiện truyền thông. Dự kiến, khoảng 150.000 người dân đại diện cho 150.000 hộ gia đình có tham gia sản xuất nông nghiệp được tập huấn kỹ thuật về tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong việc tái chế biến chất thải chăn nuôi, phụ phẩm cây trồng thành nguyên liệu hữu cơ để làm phân bón hữu cơ tại chỗ phục vụ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Theo bà Dương Thị Hằng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, một trong những hoạt động chính mà Hội đề ra là định hướng hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình theo chuỗi. Để phát triển các mô hình đó, Hội Nông dân TP đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện, thị xã xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hướng dẫn thành lập HTX, tổ hợp tác. Đến nay, Hội Nông dân các huyện, thị xã đã hướng dẫn thành lập mới được 10/18 HTX; các cơ sở Hội đã hướng dẫn thành lập được 189/406 tổ hợp tác.

Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao

Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Đảng bộ TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ: TP sẽ tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến…

Nông nghiệp sinh thái cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, thúc đẩy 3 mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường; bảo đảm tăng trưởng bao trùm và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Hiện, TP Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái, trong đó nhiều mô hình kết hợp với du lịch. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp sinh thái nói chung, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nói riêng thường có quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu, mới dừng lại ở những dịch vụ đơn giản (tham quan trang trại, tham gia hoạt động dã ngoại…), chưa được chú trọng đầu tư hạ tầng, chưa có sự kết nối để trở thành “điểm đến” hấp dẫn. Mặt khác, các DN, HTX, hộ nông dân chưa tiếp cận rộng rãi với các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi khép kín từ đất đai đến cây trồng, từ trồng trọt đến chăn nuôi…

Theo đánh giá, nông nghiệp sinh thái vẫn còn một khoảng cách khá xa so với tiềm năng phát triển của Hà Nội. Vì vậy, một trong những mục tiêu của Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị trong lĩnh vực nông nghiệp là phát triển du lịch sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, việc nông dân chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình theo chuỗi đã góp phần rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cấp Hội Nông dân để nhân rộng mô hình theo chuỗi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn…

Để phát triển nông nghiệp sinh thái như một mũi nhọn của Nông nghiệp Thủ đô, trước hết, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần có tư duy mới và những chương trình hành động cụ thể để tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện. Qua đó, thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời gắn phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số với việc kết nối các chuỗi giá trị bền vững để tạo động lực phát triển mới.

Trong Quyết định số 3098/QĐ-UBND mới đây do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cũng quy định rõ về xã nông thôn mới kiểu mẫu phải hoàn thành các tiêu chí, cụ thể, đối với tiêu chí bắt buộc gồm: Thu nhập; mô hình nông thôn thông minh. Đối với các tiêu chí tự chọn, hoàn thành một trong các lĩnh vực sau: An ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo; du lịch; chuyển đổi số.
Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.