Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh và Việt Minh

Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã làm thay đổi số phận một dân tộc với hàng chục triệu người từ dân một nước nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Ai và điều gì đã hấp dẫn và tạo nên sức mạnh của cuộc cách mạng đó?
Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh và Việt Minh
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu

Tìm đúng mạch đi của dân tộc

Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã tạo ra tình thế chính trị mới ở Việt Nam. Vấn đề giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức, Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ”.

Trước lúc Nguyễn Ái Quốc về nước, Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSĐD) đã có những bước chuyển hướng chiến lược quan trọng, đặc biệt qua Hội nghị T.Ư lần thứ VI (11/1939). Theo đó, mục tiêu chiến lược trước mắt là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập; Thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương, để đoàn kết tất cả các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc nhằm đánh đổ đế quốc, lập chính quyền dân chủ cộng hòa.

Từ đó, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Các cuộc khởi nghĩa Đô Lương, Bắc Sơn, Nam Kỳ liên tiếp nổ ra nhưng đều bị đàn áp và thất bại. Hệ thống tổ chức của Đảng bị phá vỡ, Tổng Bí thư và nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp bị bắt và hy sinh.

Trước tình thế đó, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh và Việt Minh
Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Việc quan trọng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc sau khi về nước là triệu tập và chủ trì hội nghị T.Ư lần thứ 8 của ĐCSĐD (10 - 19/5/1941). Hội nghị tiếp tục khẳng định phải đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu, tạm gác quyền lợi giai cấp, cá nhân sang một bên, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, góp toàn lực ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Sự chuyển hướng này là hiện thực hóa tư tưởng về mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong cách mạng vô sản đã hình thành từ lâu của Nguyễn Ái Quốc.

Từ năm 1924, trong bài Đông Dương và Thái Bình Dương, Người đã khẳng định ở Việt Nam, mâu thuẫn cơ bản không phải là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản mà là mâu thuẫn giữa Nhân dân Việt Nam (đại bộ phận là nông dân) với đế quốc Pháp và bọn địa chủ phong kiến tay sai. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giải quyết mâu thuẫn dân tộc, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân.

Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ tóm tắt của Đảng CSVN do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo (1930) cũng xác định nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, Nhân dân được tự do...”. Nhiệm vụ hàng đầu và cấp bách vẫn là chống đế quốc và tay sai, giành độc lập.

Khắc phục thực tế phong trào cách mạng Việt Nam có lúc, có nơi đã quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp mà chưa chú trọng đầy đủ yếu tố dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã xác định mục tiêu hàng đầu lúc này là độc lập dân tộc. Để thay thế cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, nhằm tập hợp đông đảo lực lượng hơn, ngày 19/5/1941, ĐCSĐD đã thành lập Việt Nam độc lập đồng minh - Mặt trận Việt Minh nhằm:"Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp Nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật -Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Tôn chỉ, điều lệ và chương trình hành động của Việt Minh đã xác định rõ và cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, đáp ứng được cơ bản nhu cầu, nguyện vọng trước mắt và lâu dài của các giai tầng xã hội.

Hơn nữa, ĐCSĐD xác định: "Đảng ta cũng là một bộ phận trong mặt trận phản đế Đông Dương, bộ phận trung kiên và lãnh đạo" đã làm cho các đảng phái chính trị, các tầng lớp Nhân dân có niềm tin vào sự chính nghĩa, tính chính danh của Việt Minh, từ đó tạo nên lực hấp dẫn, làm cho lực lượng Việt Minh ngày càng đông đảo, mạnh mẽ và ưu tú hơn.

Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh và Việt Minh
Cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhất quán đường lối và hành động

Ngày 8/5, chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc ở châu Âu. Đầu tháng 8/1945, Liên Xô và Mỹ tấn công Nhật Bản.

Nắm bắt thời cơ, Hồ Chí Minh và Việt Minh đã triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân khai mạc vào chiều ngày 16/8/1945. Thời gian gấp rút nhưng tham dự đại hội vẫn có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc; một số Việt kiều ở Thái Lan, Lào cũng về dự.

Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của ĐCSĐD và Tổng bộ Việt Minh; nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh và quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban Dân tộc Giải phóng gồm 15 thành viên của nhiều đảng phái khác nhau với đại đa số là trí thức.

Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Việt Minh thành lập và ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945. Chính phủ có 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Các thành viên Chính phủ lâm thời thuộc nhiều đảng phái khác nhau, trong đó có 6 vị là Đảng viên ĐCSĐD; 4 đảng viên Đảng dân chủ; 1 đảng viên Quốc dân đảng và 3 người không đảng phái.

Chính phủ này là kết quả của tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Việt Minh đã mở rộng cửa để đón nhận sự tham gia và đóng góp của các đảng phái khác nhau. Chính phủ lâm thời còn mở rộng cửa đón mời cựu hoàng Bảo Đại, Giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn tối cao và chấp nhận Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch Chính phủ.

Sau quá trình khẩn trương chuẩn bị trong bối cảnh chính trị - xã hội phức tạp, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã thành công tốt đẹp; đã bầu được 333 đại biểu, trong đó Việt Minh có 120 vị, Đảng Dân chủ Việt Nam 46 vị, Đảng Xã hội Việt Nam 24 vị, và 143 vị không đảng phái, có 10 vị nữ; 34 vị dân tộc thiểu số. Hai đảng đối lập Việt Quốc, Việt Cách không tham gia tranh cử, nhưng được đặc cách 70 ghế trong Quốc hội.

Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh và Việt Minh
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, đã bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết, cũng gồm nhiều thành phần, đảng phái, có cả dân tộc thiểu số, do cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban; Chính phủ liên hiệp kháng chiến - Chính phủ đầu tiên được Quốc hội khóa I thông qua, gồm có 14 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch cũng đa phần là trí thức nhân sĩ nổi tiếng thuộc các đảng phái khác nhau.

Ủy ban dự thảo Hiến pháp của Chính phủ được thành lập gồm có 7 thành viên trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức, đặc biệt có cả cựu hoàng Bảo Đại.

Ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội bầu gồm có 11 thành viên thì có 2 vị thuộc đảng Dân chủ, 4 vị thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng.

Nhìn vào thành phần Đại biểu Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Dự thảo Hiến pháp cho thấy chủ trương đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh và Việt Minh đã được thực thi và trở thành hiện thực.

Điều lạ là trong bối cảnh khó khăn đó mà Hồ Chí Minh và Việt Minh lại tập hợp được khối đoàn kết dân tộc, có sức hấp dẫn mọi tầng lớp Nhân dân và đặc biệt là giới nhân sĩ trí thức đồng hành. Thiết nghĩ, điều đó không chỉ đến từ mục tiêu và ý chí chính trị của Việt Minh và Hồ Chí Minh mà đến từ cả thái độ cầu thị, tôn trọng Nhân dân, nhân sĩ, trí thức của Người. Sự xử thế với các cụ Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn…, với cựu hoàng Bảo Đại, với các đảng phái khác của Hồ Chí Minh cũng đã đủ để cảm hóa và gieo niềm tin cho ai còn hoài nghi về sự trọng thị và thành thực hợp tác của Việt Minh.
Mốc son vẻ vang trong lịch sử dân tộc
“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”
Không chỉ là Tết độc lập
Thăm căn nhà đầu tiên đón Bác Hồ về Hà Nội năm 1945

Vĩnh Khánh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.