Cẩn trọng khi mua xe ô tô giá rẻ

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Nguyễn Thị Ngoãn (SN 1989, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) và Vũ Thanh Tiến (SN 1984, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quá trình xét hỏi làm rõ, hai đối tượng này đã câu kết lừa đảo anh Nguyễn Quang Đ (SN 1976, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tiến tự giới thiệu bản thân là cán bộ ngân hàng, tung thông tin ngân hàng có các lô xe ô tô phát mại, bán rẻ hơn thị trường.

Cuối tháng 5/2018, Tiến báo cho anh Đ biết Ngoãn có thông tin về 10 lô xe ô tô nhãn hiệu Kia Morning của ngân hàng cần thanh lý với giá 280 triệu đồng/xe. Anh Đ đã rủ bạn bè cùng góp vốn mua lô hàng trên. Các bị cáo nhận số tiền 360 triệu đồng của các bị hại và hứa hẹn ngày 25/5/2018 sẽ bàn giao xe. Khi hết thời hạn cam kết, Ngoãn và Tiến không bàn giao xe và không trả lại tiền.

Do nghi ngờ Tiến có hành vi lừa đảo, nhóm bạn của anh Đ đã lên kế hoạch, giả làm khách mua xe ô tô để hẹn Tiến ra quán cà phê. Khi đến nơi hẹn, các bị hại đã đưa Tiến đến CQCA quận Bắc Từ Liêm trình báo sự việc.

Theo tôi tìm hiểu được biết, hàng năm, ngân hàng có đợt phát mại xe ô tô thanh lý do khách hàng vay không có khả năng trả nợ. Ngân hàng tự phát mại hoặc thông qua bên thứ ba là các đơn vị đấu giá hoặc thông qua thi hành án (sau khi bản án tòa án có hiệu lực pháp luật). Nhưng trên thực tế, các đợt đấu giá không nhiều và chưa có kho dữ liệu thông tin tập trung khiến người mua rất khó nắm bắt kịp thời. Thủ tục mua xe cũng rườm rà hơn do phải tuân thủ quy trình đấu giá tài sản. Rủi ro lớn hơn là người mua rất dễ dính bẫy của các đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn có nhiều chiêu trò khác để chiếm đoạt tài sản của người mua xe giá rẻ. Bọn chúng lấy ảnh, thông tin xe được rao bán trên thị trường rồi đăng bán lại với giá rẻ hơn. Khi người mua “chốt” giá, bọn chúng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, phí vận chuyển từ địa phương khác về rồi mới được xem xe. Và thế là, sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của bọn chúng, ngay lập tức, người mua bị chặn liên lạc. Nhiều người lâm vào tình trạng mua một xe, hai đăng ký, xe từ nước bạn nhập lậu vào Việt Nam, xe bị ngập nước, đâm đụng... Kết quả, người mua nhận “trái đắng” khi mua xe ô tô giá rẻ.

Tôi thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần đồng loạt vào cuộc để ngăn chặn tình trạng lừa đảo bán xe ô tô giá rẻ “ảo”. Người dân cũng cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra giấy tờ qua các cơ quan trợ giúp pháp lý, nhờ người có kinh nghiệm “khám xe” kỹ trước khi quyết định mua.

Ô tô giá rẻ tràn về, doanh nghiệp nội cuống cuồng cắt giảm dòng xe
"Mơ" về chiếc ô tô giá rẻ: Người tiêu dùng đừng "tưởng bở"!
Ô tô giá rẻ tràn về Việt Nam: Có doanh nghiệp cố khai giá thấp để trốn thuế

Tường Vy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.