Cha nuôi

Trong một cuộc thi viết, Sâm đã viết về người bố nuôi với tất cả tình cảm yêu thương, kính trọng. Câu chuyện cảm động của cậu đã giành giải Nhất toàn trường, nhưng món quà quý giá nhất với Sâm chính là ông trời đã cho cậu một người bố tuyệt vời, dù không chung dòng máu nhưng lại yêu cậu bằng cả trái tim.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sâm là con thứ hai của chị Hơn - hàng xóm nhà tôi. Trong cuộc hôn nhân đầu với người chồng cùng quê, chị sinh được một cô con gái. Sau đó, vì hai người thường xuyên cãi vã nên quyết định chia tay. Hai năm sau, chị Hơn quen một người đàn ông tỉnh nọ đến khu chợ mình buôn bán, cảm mến anh ta và họ có với nhau cậu con trai, là bé Sâm. Tuy nhiên, cận ngày sinh, chị Hơn phát hiện gã đàn ông mà chị yêu thương lại “bắt cá hai tay”. Thế là chị quyết định chia tay gã, cùng với con gái rời quê lên TP. Tại đây, nhờ một người bà con, chị an toàn sinh ra Sâm.

Sinh Sâm được hai tháng thì chị Hơn xin làm giúp việc cho một gia đình giàu có. Rất may, chủ nhà tốt bụng, hào phóng, thấy chị Hơn chăm chỉ, thật thà nên trả lương khá hậu hĩnh, chị Hơn cũng rất được lòng mọi người xóm trọ nơi chị sống. Mọi người ở đây đều là dân ngoại tỉnh, lên TP mưu sinh nên đều thấm thía cho hoàn cảnh của nhau. Tuy họ không giúp đỡ được nhau về tiền của nhưng luôn bên cạnh sẻ chia, động viên nhau cùng cố gắng, mong một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những hôm chị Hơn về muộn, hàng xóm giúp chị trông nom Sâm cẩn thận. Ai cũng yêu quý cậu bé như con cái trong nhà. Trong đó có chú Mong, một mình đang nuôi cô con gái học ĐH.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cậu bé Sâm ngày một lớn nhưng điều mà cậu luôn tò mò tìm hiểu là về bố của mình. Thấy bạn bè có bố mẹ đưa đón đến trường, Sâm nhiều lần hỏi về bố nhưng mẹ đều tìm lý do né tránh. Cậu bé buồn, hàng ngày cứ chơi lủi thủi một mình. Có lần, do lỡ tay làm vỡ đồ chơi của bạn, Sâm bị bạn mắng không có bố. Cậu tức quá, liền đấm bạn một cái rồi chạy vù đi. Chú Mong là người chứng kiến câu chuyện nên đã giúp chị Hơn giải thích với người nhà cậu bé bị Sâm đánh, rồi chạy đi tìm Sâm. Tìm mãi, chú mới nhớ ra nơi mà cậu bé hay đến mỗi khi có chuyện buồn. Hai chú cháu cũng thường rủ nhau đến đó chơi, tâm sự.

Nhìn thấy cậu bé đang gục mặt khóc, chú Mong chạy đi mua một lon nước ngọt mà Sâm thích và ít bim bim. Chú lại gần và bảo: “Hôm nay chú cháu mình sẽ tâm sự như hai người đàn ông được không?”. Sâm khóc thút thít, ôm chầm lấy chú Mong và bảo: “Cháu muốn có bố”. Câu nói của Sâm làm nước mắt chú Mong tuôn ra, chẳng có cách nào nén nó lại. Chú bảo: Được rồi, từ nay Sâm sẽ có bố.

Thế là từ hôm đó, Sâm gọi chú Mong là bố. Có chuyện gì, cậu bé cũng sẻ chia với chú. Chú cũng dạy dỗ và bảo vệ Sâm như con đẻ. Tình cảm của họ cứ thế gắn bó không thể tách rời. Nhiều người thấy chú Mong tốt bụng, đã tích cực “đẩy thuyền” cho chị Hơn và chú nhưng họ chỉ quý mến nhau như những người bạn.

Giờ đây, Sâm đã học lớp 5. Nhiều người đến rồi đi khỏi xóm trọ nhưng gia đình chị Hơn và chú Mong vẫn ở đó. Họ đã thực sự coi nhau như một gia đình. Trong một cuộc thi viết, Sâm đã viết về người bố nuôi với tất cả tình cảm yêu thương, kính trọng. Câu chuyện cảm động của cậu đã giành giải Nhất toàn trường, nhưng món quà quý giá nhất với Sâm chính là ông trời đã cho cậu một người bố tuyệt vời, dù không chung dòng máu nhưng lại yêu cậu bằng cả trái tim.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.