Hà Nội: Đẩy mạnh các giải pháp tích cực bình ổn thị trường

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, TP Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn giá để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. Thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường các loại hàng hóa, kịp thời có biện pháp hoặc đề xuất UBND TP Hà Nội và Bộ Công thương để có các giải pháp ổn định thị trường.
Với việc giá xăng dầu và một số đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận chuyển giảm xuống, giá nhiều mặt hàng bán lẻ trên thị trường đã giảm nhẹ. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu.(ảnh: Tuyết Nhi)
Với việc giá xăng dầu và một số đầu vào như nguyên liệu, chi phí vận chuyển giảm xuống, giá nhiều mặt hàng bán lẻ trên thị trường đã giảm nhẹ. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu.(ảnh: Tuyết Nhi)

Trong đợt giảm giá gần nhất (từ 15h ngày 11/8), mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng, dầu cũng hạ 1.000-1.210 đồng (trừ dầu mazut). Chi phí nhiên liệu giảm sâu là yếu tố tác động đến việc giảm giá hàng hóa tại các chợ truyền thống cũng như hệ thống siêu thị.

Theo khảo sát của phóng viên vào chiều muộn 15/8 tại một số chợ truyền thống của Hà Nội như chợ Bông Đỏ (phường La Khê, Hà Đông), chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm), chợ Ngã Tư Sở (phường Ngã Tư Sở, Đống Đa), chợ Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ)…, đa số các mặt hàng thực phẩm đều duy trì mức giá ổn định hoặc giảm nhẹ.

Cụ thể, rau muống giảm khoảng 1.000 đến 2.000 đồng/mớ, rau ngót, mồng tơi giảm khoảng 2.000 đến 3.000 đồng/mớ, cà chua giảm khoảng 5.000 đồng/kg, mướp đắng giảm từ 25.000 đồng/kg còn 20.000 đồng/kg...; dầu ăn Neptune giảm từ 72.000 đồng còn 62.300 đồng/chai 1 lít...

Tuy nhiên, thịt lợn vẫn giữ giá khoảng 135.000 - 175.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò từ 225.000-310.000 đồng/kg tùy loại, thịt gia cầm khoảng 180.000 đồng/kg; trứng gà, vịt tiếp tục giữ giá cao khoảng 35.000-40.000 đồng/chục.

Cũng theo khảo sát của PV, ngoài các chợ truyền thống thì hệ thống siêu thị cũng thực hiện giảm giá như: Tại hệ thống siêu thị BigC, giá các loại thịt lợn ba chỉ loại 1 (167.000 đồng/kg), sườn non cắt khúc (181.000 đồng/kg), sườn non (180.500 đồng/kg), thịt đùi (115.000 đồng/kg), nạc đùi (132.000 đồng/kg), nạc vai (163.000 đồng/kg)....

Tại siêu thị Winmart thực hiện giảm giá với các sản phẩm thịt bò ngoại như gầu bò Canada (500g) và thịt nạc vai bò Canada (500g) cùng giảm 10%, lần lượt còn 149.200 đồng và 154.000 đồng; bắp bò Tây Ban Nha (loại 500g) và lõi rùa bắp bò Tây Ban Nha (500g) lần lượt giảm 5% và 3%, còn 141.900 đồng và 201.900 đồng...

Giá thịt lợn Meat Deli tại siêu thị Winmart tiếp tục duy trì ổn định: Thịt đùi có giá 131.900 đồng/kg, chân giò rút xương có giá 137.900 đồng/kg; thịt nạc vai có giá 141.900 đồng/kg và thịt nạc dăm có giá 157.900 đồng/kg...

Theo Sở Công thương Hà Nội, giá xăng giảm liên tiếp đã giúp giá cả nhiều hàng hoá và dịch vụ giảm theo. Hiện, trên thị trường có duy nhất mặt hàng trứng tăng nhẹ, 1.000-2.000 đồng/chục quả do đang là cao điểm sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung Thu. Còn các mặt hàng khác đã đồng loại giảm giá như thịt lợn giảm 15%-20% các loại rau quả, đặc biệt là trái cây giảm sâu hơn, có loại giảm 30%.

Bên cạnh các chương trình kích cầu do TP Hà Nội tổ chức như: Chương trình khuyến mại tập trung năm 2022, Tuần hàng Việt… các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị lớn cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, TP Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn giá để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng. "Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường từ tháng 6/2022 để chỉ đạo các doanh nghiệp đăng ký đăng ký giá 12 mặt hàng thiết yếu và chỉ tăng giá khi đã có sự cho phép của Sở Công thương và Sở Tài chính", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc giá cả nhiều loại hàng hoá, dịch vụ giảm sẽ giúp người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu, cùng túi tiền đó họ sẽ mua được nhiều hàng hơn. Hiện nhiều người tiêu dùng đã thoải mái hơn trong việc chi tiêu của mình. Sự chịu chi của người tiêu dùng đã mang đến sự tăng trưởng doanh thu cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, với đà giảm của xăng dầu như thời gian qua thì mức giảm của hàng hóa tại các chợ truyền thống vẫn chưa tương xứng. Hy vọng giá thực phẩm sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới.

Tuyết Nhi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.