Mức án dành cho kẻ giả danh công an?

Không nghề nghiệp, Hà Thị Bình đã tìm mua một bộ trang phục cảnh sát để mạo danh thành nữ cán bộ CA, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo và trộm cắp tài sản. Với hai tội danh này, Bình có thể bị xử lý thế nào?
Hà Thị Bình tại CQCA
Hà Thị Bình tại CQCA

Giả danh nữ cán bộ Công an để làm quen mọi người

CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với Hà Thị Bình, SN1999, trú tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài “ và “Trộm cắp tài sản”.

Trước khi bị bắt, Bình mua bộ quần áo giống trang phục cảnh sát mặc vào chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội. Lấy tên giả là "Hà Minh Anh", bị can giả danh nữ cán bộ CA để làm quen mọi người.

Thông qua mạng xã hội Facebook, Bình quen biết anh H.K.T, ở Thanh Hóa và giới thiệu bản thân đang công tác trong lực lượng CA. Từ khoảng tháng 9/2021, Bình thường xuyên sang nơi anh T cư trú tại một chung cư cao cấp trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm để chơi.

Tại đây, trong khi dọn dẹp nhà cửa, Bình vào phòng ngủ của chị anh T, thấy trong chiếc hộp bằng nhựa trong suốt để trên kệ đầu giường có chứa nhiều trang sức như nhẫn vàng, vòng cổ, Bình đã mở hộp rồi lấy đi một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền bằng vàng tây bán được 3 triệu đồng.

Một tháng sau đó, Bình lại tiếp tục vào phòng của chị anh T lấy trộm một chiếc nhẫn khác, rồi cất giấu trong túi đồ đạc của mình để tại phòng ngủ chung của Bình và anh T.

Ngày 6/2/2022, chị gái anh T cùng chồng dọn về ở tại căn hộ trên. Khoảng 22h ngày 10/2/2022, thấy chị gái anh T đi tắm để quên một chiếc nhẫn vàng trắng, mặt đính đá kim cương, Bình tiếp tục "nhặt" chiếc nhẫn này giấu đi. Một tuần sau đó, khi thấy chị gái anh T đi du học mà không phát hiện việc bị mất chiếc nhẫn, Bình mang chiếc nhẫn đi bán được 1,5 triệu đồng.

CQĐT xác định tổng số tài sản mà Hà Thị Bình trộm cắp tại nhà anh H.K.T là 8 triệu đồng. Số tiền Bình chiếm đoạt của chị L. là 18,8 triệu đồng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hai tội danh mà Hà Thị Bình bị khởi tố được quy định tại Điều 174 BLHS 2015 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và Điều 173 tội “Trộm cắp tài sản".

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt

Theo luật sư Nguyên, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Về hình phạt, theo quy định tại khoản 1 Điều 174 BLHS, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Đây là khung hình phạt thấp nhất của tội danh.

Ngoài ra, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi liên quan đến giá trị tài sản bị chiếm đoạt, đến hậu quả từ hành vi chiếm đoạt và tính chất nghiêm trọng của hành vi chiếm đoạt trên thực tế như: phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng trở lên, tái phạm nguy hiểm… mà người phạm tội có thể bị xử phạt ở mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc chung thân

Luật sư Nguyên cho rằng, trộm cắp tài sản là một trong những tội xảy ra phổ biến trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu. Dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là thủ đoạn lén lút của người phạm tội, lợi dụng sơ hở của người bị hại để chiếm đoạt tài sản của họ.

Người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình khi thực hiện, cố gắng thực hiện hành vi bằng cách thức mà người bị hại không phát hiện ra. Mức hình phạt của tội trộm cắp tài sản được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:

Khung một (khoản 1) có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản.

Khung hai (khoản 2) có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm. Được áp dụng nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng.

Khung ba (khoản 3) có mức phạt tù từ 7 đến 15 năm. Được áp dụng nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng…

Khung bốn (khoản 4) có mức phạt tù từ 12 đến 20 năm. Được áp dụng nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên…

"Như vậy, sau khi bị khởi tố về hai tội danh, nếu bị chứng minh là có tội, người phạm tội có thể phải đối mặt với các khung hình phạt như đã phân tích", luật sư Nguyên cho biết.

CQ CSĐT - CA quận Nam Từ Liêm thông báo, những ai là bị hại của Hà Thị Bình, đề nghị liên hệ Đội Điều tra Tổng hợp CA quận Nam Từ Liêm (gặp cán bộ điều tra Hoàng Văn Mạnh, ĐT: 0357.693.123) để cung cấp thông tin để được giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Bắt công an “rởm” cuối cùng trong vụ 3 thanh niên cướp tài sản
Nghe cuộc điện thoại giả danh công an, người phụ nữ mất trắng 1,2 tỷ đồng
Chiêu thức lừa đảo qua các cuộc điện thoại: Không khó để nhận diện
Cô gái trẻ giả danh công an trộm cắp tài sản ở nhà bạn trai, lừa đảo chiếm đoạt tiền của bạn thuê trọ

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.