CSGT Hà Nội đón lõng xử lý nhiều “ma men” tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh

Thực hiện kế hoạch của Phòng CSGT - CATP Hà Nội về xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, chiều 10/8, tổ công tác Đội CSGT số 5 – Phòng CSGT CATP đã xử lý nhiều tài xế vi phạm, đồng thời tuyên truyền đến người vi phạm hiểu, pháp luật qui định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu, chất kích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
CSGT Hà Nội đón lõng xử lý nhiều “ma men” tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh
CSGT dừng xe kiểm tra đối với một tài xế xe tải

Theo đó, khoảng 13h30 chiều 10/8, PV có mặt tại đường Nguyễn Văn Linh, đoạn qua phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội nơi tổ công tác Đội CSGT số 5 làm nhiệm vụ xử lý vi phạm nồng độ cồn do Đại úy Đào Xuân Dũng làm tổ trưởng cùng các CBCS Đại uý Nguyễn Triệu Hải, Đại uý Đặng Minh Thành và Thượng uý Nguyễn Hùng Cường.

Vào thời điểm này, nhiều người tham gia giao thông mặt vẫn còn đỏ, có dấu hiệu vừa sử dụng rượu bia. Khi tổ công tác tiến hành dừng một số phương tiện để kiểm tra nồng độ cồn thì phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, có trường hợp đã vượt mức cao nhất (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở).

Đáng chú ý, quá trình kiểm tra, nhiều trường hợp sử dụng nhiều chiêu trò để né tránh kiểm tra nồng độ cồn, qua mắt lực lượng chức năng như quay đầu xe bỏ chạy, xuống xe bỏ đi, rẽ vào đường nhánh tránh chốt kiểm tra, dắt bộ xe qua chốt kiểm soát…Có trường hợp khi bị kiểm tra, dù thừa nhận đã uống rượu bia nhưng lý do vui quá uống một chút hoặc phải tiếp khách rồi không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc nói không biết thổi.

Thậm chí có trường hợp đã nhận lỗi nhưng không ký vào biên bản và cho rằng máy thổi nồng độ cồn bị hỏng khi biết số tiền bị phạt còn cao hơn cả giá trị chiếc xe và muốn bỏ cả xe luôn. Đối với các trường hợp này, ngoài việc tuyên truyền để người vi phạm hiểu rõ quy định pháp luật khi sử dụng rượu bia lái xe để tránh vi phạm lần sau.

CSGT Hà Nội đón lõng xử lý nhiều “ma men” tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh
CSGT lập biên bản đối với tài xế vi phạm

Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tổ công tác đã lập biên bản, niêm phong và tạm giữ 4 xe máy và giấy phép lái xe để xử lý theo quy định. Điển hình là trường hợp người đàn ông đi máy BKS 29K1-797.xx điều khiển hướng QL5 về đường Nguyễn Văn Linh. Tại chốt kiểm tra, người đàn ông này thở phả ra nồng nặng mùi rượu, bước đi vẫn loạng choạng.

Ngay sau khi dừng xe, CSGT thông báo chốt kiểm tra chuyên đề nồng độ cồn, kết quả người đàn ông điều khiển xe máy 29K1-797.xx vi phạm 0,685 mi li gam/1 lít khí thở. Danh tính người này được làm rõ là Trần Phương G, SN 1972, ở quận Long Biên, Hà Nội. Ông G phân trần đi liên hoan về, lâu không gặp bạn cũ mời nể uống nhiều, biết là mình say và chấp hành kí biên bản vi phạm.

Tổ công tác tiếp tục dừng xe máy 30M2-031.xx do người đàn ông điều khiển chở cậu con trai phía sau. CSGT thông báo kiểm tra nồng độ cồn, kết quả người điều khiển xe máy 30M2-031.xx vi phạm 0,130 mi li gam/1 lít khí thở. Người xuất trình đầy đủ giấy tờ, bằng lái mang tên Thân Xuân T, SN 1962, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ông T phân trần, đi ăn giỗ về, uống có lưng cốc bia không thể vi phạm nồng độ cồn được.

Ngay sau đó, ông T vùng vằng, không phối hợp với tổ công tác, đồng thời yêu cầu CSGT trả giấy tờ, bỏ xe máy lại. Sau một hồi được cán bộ, chiến sĩ CSGT tuyên truyền, giải thích mức vi phạm nồng độ cồn vi phạm ở mức thấp nhất theo qui định là dưới 0,250 mi li gam/1 lít khí thở. Ông T đã dần bình tĩnh trở lại.

CSGT Hà Nội đón lõng xử lý nhiều “ma men” tham gia giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh
Nhiều xe máy bị tạm giữ

Đại uý Nguyễn Triệu Hải người trực tiếp lập biên bản chia sẻ, quá trình lập biên bản đối với những trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, họ xin không được, dẫn đến bức xúc… Vì vậy, CSGT nhẹ nhàng giải thích, tuyên truyền đến người vi phạm hiểu, pháp luật qui định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng bia, rượu, chất kích khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung theo nghị định 123/2021 của Chính phủ thì mức xử phạt cao nhất về vi phạm nồng độ cồn đối với người lái ôtô và các loại xe tương tự (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) từ 30-40 triệu đồng.

Đối với người lái xe máy và các loại xe tương tự là từ 6.000.000đ - 8.000.000đ. Cả hai trường hợp trên đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất của hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Trao đổi với PV, Đại uý Đào Xuân Dũng cho biết: “Biện pháp tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm vi phạm sẽ tạo chuyển biến tích cực. Mục đích của CSGT không phải chỉ xử phạt, thu tiền phạt mà muốn tuyên truyền để người dân chấp hành pháp luật tốt hơn, khi tham gia giao thông phải đảm bảo an toàn cho chính mình, cho người xung quanh”.

Xử lý Xử lý "ma men" điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Quý Khánh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.