Xử lý trách nhiệm cá nhân đối với cơ quan đơn vị giải ngân đầu tư công đạt thấp

UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng, cá thể hóa trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác trọng tâm này.
Xử lý trách nhiệm cá nhân đối với cơ quan đơn vị giải ngân đầu tư công đạt thấp
Hầm chui Lê Văn Lương, một trong những dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao của Ban quản lý dự án giao thông Hà Nội

Theo đó, yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án, lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết với UBND TP kết quả giải ngân theo từng dự án, từng tháng, từng quý và chịu trách nhiệm toàn diện trước TP kết quả giải ngân các dự án được giao.

Các Ban quản lý dự án tập trung việc đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quản lý chặt chẽ trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản, rà soát đánh giá kỹ lưỡng khả năng thực hiện, giải ngân các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài, đề xuất bổ sung vốn cho các dự án có khả năng thực hiện, giải ngân cao hơn kế hoạch vốn được giao, cắt giảm vốn các sự án khó có khả năng hoàn thành.

Đối với các dự án sẽ trình HĐND TP điều chỉnh kế hoạch vốn tại kỳ họp tháng 9/2022, các chủ đầu tư phải cam kết với TP sẽ giải ngân hết vốn trong trường hợp được chấp thuận điều chỉnh kế hoạch.

UBND TP cũng yêu cầu Sở KH & ĐT tham mưu công khai kết quả giải ngân hàng tháng, hàng quý trên cổng thông tin điện tử TP. Sở Nội vụ chủ trì trong việc báo cáo UBND TP các đơn vị giải ngân chậm và đề xuất việc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng đẩy mạnh tiến độ giải ngân, giải ngân không đạt trên 90% kế hoạch.

Sở Xây dựng và các ngành liên quan chỉ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho từng dự án để triển khai các bước tiếp theo, tránh việc lãng phí đầu tư.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn đầu tư công, các sở ban ngành, UBND quận, huyện cũng đã được yêu cầu báo cáo đầy đủ, chính xác về tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, tập trung thực hiện thanh quyết toán dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, nhằm từng bước chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện Luật đầu tư công trên địa bàn TP, nâng cao tỷ trọng giải ngân đầu tư công vốn là một “điểm nghẽn” đang tồn tại trong đầu tư phát triển TP nhiều năm qua.

Trắng đêm lao dầm thi công cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2
Gói thầu chính Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành hơn 50% khối lượng
Hà Nội thúc đẩy giải ngân đầu tư công: Nghiên cứu giải pháp có tính căn cơ, đột phá

Trường Lưu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.