Hà Nội trên chặng đường biến "giấc mơ" thành sự thật:

Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời

Các chuyên gia đều ủng hộ chủ trương của thành phố Hà Nội về việc xây dựng khu bãi giữa, bãi bồi sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch. Tuy nhiên, để biến giấc mơ này thành hiện thực thì vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua.
Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời
Quang cảnh bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Khánh Huy

Giúp người dân thụ hưởng thiên nhiên một cách tích cực nhất

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, đề xuất phát triển không gian bãi giữa, bãi bồi thành công viên thì điều quan trọng nhất đó là nâng cao chất lượng sống của chính người Hà Nội và bạn bè đến với Hà Nội. Mọi người cần có không gian sinh hoạt cộng đồng, cũng như thụ hưởng thiên nhiên một cách tích cực nhất. Không gian bãi giữa sông Hồng bị bỏ trống, thậm chí bị chiếm dụng, mất vệ sinh… thì bây giờ làm lại sạch sẽ, có đường đi lối lại an toàn hơn, thuận tiện hơn cho mọi người, đặc biệt là người già, trẻ em để đảm bảo an ninh trật tự,...

"Trong lúc đợi quy hoạch phân khu được duyệt, nhiều khu đất hai bờ sông Hồng có thể tận dụng cải tạo thành các khu không gian công cộng để phục vụ không chỉ người dân ở hai bên bờ sông mà toàn bộ người dân Thủ đô. Nơi đây có thể phát triển cảnh quan để người dân có thể đến vui chơi, giải trí, tham quan. Khu vực này cần có những động thái ứng xử để dần đưa bờ sông Hồng trở thành mặt tiền của thành phố như nhiều nước phát triển trên thế giới chứ không phải là mặt sau, là nơi đang bị bỏ phí, xả rác như hiện nay", KTS Trần Huy Ánh cho biết.

KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh: Thực tế cho thấy, lâu nay nhiều người cũng đã tới khu vực bãi giữa vui chơi, bơi, tắm, chạy, đi xe đạp từ trước… nhưng đều là hoạt động tự phát. Do đó, hiện tại cần tổ chức lại cho tốt hơn là điều nên làm. Mặt khác, việc phát triển thành công viên - đó là công trình công cộng thì việc bảo vệ tài sản công được tốt hơn, tránh được việc lấn chiếm, chiếm dụng gây bức xúc… Đất công thì càng phải bảo vệ, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc này. Khi biến thành công viên thì không những bảo vệ được tốt hơn mà còn phục vụ công cộng tốt hơn.

"Về vấn đề về hành lang thoát lũ, việc xây dựng các công trình ngoài đê là vi phạm hành lang thoát lũ. Do vậy, bãi giữa sông Hồng không có công trình gì là đang được bảo vệ thoát lũ. Việc phát triển khu vực này thành công viên thì được bảo vệ tốt hơn, quản lý tốt hơn. Đồng thời sẽ ngăn cản chuyện chiếm dụng trái phép, ngăn chặn việc xây dựng trái phép những vật kiến trúc cản trở dòng chảy. Bãi giữa sông Hồng là bãi đất tự nhiên nằm trên dòng chảy của sông Hồng, nếu làm công viên thì cũng không ảnh hưởng tới dòng chảy của dòng sông. Bởi xưa nay cây vẫn mọc, nếu làm công viên thì cây cối được chăm sóc, được tỉa gọn gàng thì nếu có nước lũ còn thoát tốt hơn. Điều cần lưu ý đó là không nên xây dựng các công trình kiên cố hay xây dựng lều quán, rào chắn, chiếm dụng diện tích để xây dựng các công trình...", KTS Trần Huy Ánh phân tích thêm.

Đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ

PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng hay phát triển các công trình khu vực ngoài đê cần tuân theo các quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ. Cần phải xác định rõ ràng khu vực thoát lũ thì việc gì được làm và không được làm. Tiếp theo đó cần căn cứ quy hoạch phân khu để có những ứng xử phù hợp. Nếu để không khu vực này thì cũng có lãng phí nhất định, song cần lưu ý trong hành lang thoát lũ có những rủi ro về sự an toàn, nhất là vào mùa mưa, lũ. Vì vậy, kể cả việc phát triển làm công viên ở bãi bồi sông Hồng thì thành phố cần tính toán, cân nhắc và đánh giá rất kỹ vấn đề này.

Đồng thời, cần chuẩn bị các cảnh báo, các phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân khi tham gia vui chơi, giải trí, sinh hoạt tại khu vực này nhất là vào mùa mưa, lũ. Trong hành lang thoát lũ không được xây dựng những công trình kiên cố. Ngoài ra, không nên tác tác động vào dòng chảy của dòng sông bởi sẽ dẫn tới những nguy cơ về ngập úng khi có mưa lũ.

Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời
Nhiều người dân đang sinh sống tại bãi giữa sông Hồng ủng hộ chủ trương xây công viên văn hóa, du lịch tại đây. Ảnh: Khánh Huy

Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nếu xây dựng các công trình ở khu vực bãi bồi, bãi giữa có thể ảnh hưởng tới hành lang thoát lũ. Xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở hai bên bờ sông ở phía sau công trình. Mặt khác, địa chất ở các bãi bồi ở lòng sông chỉ toàn cát, không có đá, nên rất yếu.

"Việc xây dựng các công trình trên đó là không ổn. Hà Nội sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngập úng rất cao nếu sông Hồng không đảm bảo khả năng thoát lũ. Những khu vực ở vị trí thấp như ga Hàng Cỏ, khu chợ Giời (Phố Huế) sẽ ngập đầu tiên. Thiên tai bây giờ rất bất thường. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ có mưa lớn. Không nên chỉ thấy mực nước thấp như thế là cảm thấy an toàn để xây dựng các công trình, tác động vào lòng sông. Những hiện tượng thời tiết bất thường như thế thì không thể lường trước được. Sông Hồng có thể gây ngập ngay cả khi không có lũ từ thượng nguồn mà chỉ cần mưa lớn. Vì thế dù ít hay nhiều thì mọi quy hoạch đều tránh tác động đến lòng sông hay khu vực bãi bồi ven bờ", GS.TS Vũ Trọng Hồng cho biết.

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản nhấn mạnh: Đặc điểm của vùng đất ở ven sông, giữa sông, trong phạm vi hành lang lũ 100 năm là đất phù sa mới, chưa cố kết nên nhìn chung là yếu. Các nước trên thế giới đều thiết lập hành lang lũ 100 năm ở cả hai bên bờ sông. Trong hành lang đó không xây dựng các công trình kiên cố, chỉ trồng cây, làm vườn hoa. Ở Việt Nam, các con sông lớn đều có đê và hành lang thoát lũ dự phòng khi lũ cao, lũ to, đê vỡ... Bên trong hành lang thoát lũ này không được xây cất công trình kiên cố, thậm chí là công trình tạm. Thiên tai có những điều rất khó lường nên cần thực hiện nghiêm việc nghiêm việc bảo vệ an toàn đê điều, hành lang thoát lũ.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Đề xuất của quận Hoàn Kiếm đã có đề tài nghiên cứu chi tiết nhiều mặt. Đề xuất khai thác bãi giữa, bãi bồi sông Hồng phù hợp với định hướng chung trong việc quy hoạch 2 bên bờ sông. Về an toàn đê điều, hành lang thoát lũ, trong đề tài quy hoạch đều có ý kiến về vấn đề chú trọng phòng chống lũ. Yêu cầu đặt ra khi khai thác bãi giữa, bãi bồi phải đảm bảo hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn tối đa.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thì việc khai thác này sẽ tuỳ theo mức độ báo động. Ở từng mức, từng cột báo động sẽ có khu vực khai thác khác nhau cho phù hợp với từng loại hình, địa hình để đảm bảo an toàn. Trong nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng, gần đây nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng đều khẳng định phải giải quyết những tồn tại, vướng mắc mà Hà Nội không thể giải quyết bên trong nội đô. Do vậy, việc quận đề xuất khai thác bãi giữa, bãi bồi sông Hồng phù hợp với định hướng chung trong việc quy hoạch 2 bên bờ sông. Ví dụ như quận Hoàn Kiếm, ở đây có hệ thống bãi sông, công trình công cộng rất lớn, nếu khai thác thành những khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí thì nó sẽ tạo nên sự hấp dẫn.

Đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phân tích: Các bãi sông này được đề xuất phát triển không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch hay xây dựng các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, không gian quảng trường đô thị, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông nội bộ dành cho xe cơ giới, xe đạp và đường đi bộ. Đặc biệt, sau khi quy hoạch, đường thủy sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông của thành phố.

Ngoài ra, còn giúp Hà Nội kết nối hơn nữa với các tỉnh lân cận nói chung và các khu vực trên địa bàn thành phố nói riêng. Riêng quy hoạch bãi giữa sông Hồng, không chỉ thành phố mà cả nước ngoài cũng quan tâm. Có những dự án của nhà đầu tư trong nước nhưng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài của Mỹ, Italia… quan tâm đến. Các nhà đầu tư này đã đề cập đến việc phê duyệt bãi giữa sông Hồng, tuy nhiên chúng ta chưa quyết định được bởi vì phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch hành lang thoát lũ.

Việc khai thác gì, làm gì, đầu tư gì, phát triển gì sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Công viên này hướng tới giới trẻ, thanh niên, có cả hạng mục cho người lớn tuổi... nhằm phục vụ cho công viên vui chơi giải trí, văn hoá. Điều này có thể sẽ thành hiện thực trong tương lai để phát triển Thủ đô.

"Hướng nghiên cứu, khai thác và phát huy hiệu quả quỹ đất bãi sông Hồng của quận Hoàn Kiếm là đáng hoan nghênh. Quận đã mạnh dạn, tái khởi động vấn đề khai thác khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng mà rất nhiều những nghiên cứu trước đây đã đề cập, nhưng chưa thực hiện được vì phải chờ quy hoạch phân khu, quy hoạch hành lang thoát lũ.

Nếu khai thác được quỹ đất bãi làm công viên, cây xanh, khu vui chơi giải trí sẽ thu được nhiều lợi ích. Trước hết là tăng tỷ lệ không gian xanh cho khu vực nội đô lịch sử, ít nhất sẽ có thêm 2m2 không gian xanh/người, đẩy không gian xanh tại khu vực nội đô từ 5,5m2 lên gần 8m2/người, bằng mức nhiều nơi mong muốn. Thứ hai là nâng chất lượng sống cho người dân vì hiện ở khu vực Chương Dương, Phúc Tân đời sống khá tạm bợ. Thứ ba là đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của mọi lứa tuổi của người dân Thủ đô", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Kỳ 2: Để “giấc mơ sông Hồng” không còn xa vời
Khu vực bãi giữa sông Hồng hiện nay cũng là nơi được nhiều người dân lựa chọn tập thể dục. Ảnh: Khánh Huy

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đề xuất của quận Hoàn Kiếm rất hợp lý, thể hiện sự tích cực, năng động nhưng cần sớm có cơ sở pháp lý để tuân thủ nguyên tắc chung của cả vùng và cả nước. Trước mắt, quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu, kế thừa kinh nghiệm của các nghiên cứu, dự án có liên quan trước đây. Bên cạnh đó, quận phải dự báo được nguồn lực, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.

Vấn đề nữa, phải nghiên cứu giao thông kết nối giữa khu vực bãi với hệ thống giao thông trong nội đô. Hiện nay, việc kết nối với khu vực bãi giữa mới chỉ có lối đi xuống từ cầu Long Biên và đi bằng thuyền. Việc khai thác, sử dụng đất bãi sông Hồng là vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu kỹ khi các cơ sở pháp lý cho vấn đề này không chỉ là Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mà còn nhiều quy hoạch khác như Quy hoạch TP. Hà Nội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch ngành cấp quốc gia về thủy lợi, thoát lũ, giao thông đường thủy… chưa được nghiên cứu ban hành.

Về vướng mắc xoay quanh việc phát triển bãi giữa, bãi bồi thành công viên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng bài toán quan trọng cần giải quyết là việc kết nối giao thông, hạ tầng với xung quanh. Từ lâu nay, vấn đề đi lại ở khu vực này vẫn còn bất cập. Do đó, địa phương cần cân nhắc phương tiện, đường đi sao cho thuận tiện, an toàn với người dân.

Sông Hồng cũng biến động từ 50, 70 đến 100 năm, ít nhất 28 – 30 lần mực nước dâng cao đến cốt 13,5m. Do đó, dự án phải tính được đến sự biến đổi ngập lụt nước sẽ triển khai các hoạt động ra sao. Việc này phải được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, học hỏi thêm một số quốc gia như Hàn Quốc, Hà Lan, Ý… về kết cấu đường, cao độ hệ thống thoát nước, công trình kiến trúc thích ứng ngập lụt…

Nhưng vấn đề khó khăn nhất chính là nguồn lực, bởi vì đầu tư ở đây đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, thế thì bây giờ phải làm thế nào để có được nguồn lực khai thác dự án và cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư.

Để các ý tưởng trong quy hoạch phân khu sông Hồng trở thành hiện thực, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng thành phố cần giải quyết những bài toán như sau: Thứ nhất là phải xác định nguồn lực: Từ những mục tiêu lớn trong đồ án, thành phố cần xây dựng các dự án chi tiết hơn, phân tích rõ những nguồn lực để thực hiện, sau đó phân loại để có thứ tự ưu tiên. Vấn đề đầu tiên chúng ta phải làm là ổn định dòng chảy trước. Rất nhiều nghiên cứu của nước ngoài cũng nhận định như vậy.

Thứ hai là vấn đề hạ tầng kỹ thuật, tiếp đến là vấn đề kêu gọi đầu tư. Các khu vực cần được phân định rõ ràng, chẳng hạn như đầu tư chỉnh trang lại hệ thống đê điều, xây dựng khu công viên, khu thể thao, khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa lịch sử hay các dự án giao thông, nâng cấp khu dân cư. Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các kế hoạch này, cơ bản là phải có những quy định cụ thể, rõ ràng.

“50 - 60 năm trước đây, người Hàn Quốc từng mơ “giấc mơ sông Hàn” và họ đã tạo được “kỳ tích sông Hàn”. Nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng hành. Từ đó một “kỳ tích” như sông Hàn sẽ hiện hữu tại Thủ đô Hà Nội. Đồ án quy hoạch này sẽ là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của cả vùng, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

(Còn nữa…)

Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô Kỳ 1: Đi tìm “viên ngọc xanh” của Thủ đô

Nhiều ý kiến cho rằng, vùng đất bãi sông Hồng là "viên ngọc xanh" vô cùng quý giá, tuy thô mộc nhưng gọt rũa sẽ ...

Thái Phương - An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.