Xã Tân Chi mượn tiền doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng có đúng quy định?

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, UBND xã sử dụng nguồn tiền vay cá nhân của doanh nghiệp để trả bồi thường, chi lập hồ sơ bồi thường, chi lập quy hoạch… thì đều không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Xã Tân Chi mượn tiền doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng có đúng quy định?
Khu vực Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn tại xã Tân Chi” (ảnh: Công Phương).

Như chúng tôi đã thông tin, xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là chủ đầu tư Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn tại xã Tân Chi”. Để lấy tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân ở dự án, xã Tân Chi đã sử dụng nguồn ngân sách xã (tiền này xã thu từ nguồn đất dân cư dịch vụ nhưng chưa sử dụng đến) là 6,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã còn sử dụng nguồn tiền vay cá nhân của một công dân có doanh nghiệp trên địa bàn với lãi suất bằng 0 (khoảng gần 27 tỷ đồng-PV).

Đến thời điểm hiện tại, xã đã thu hồi được 81.000m2 đất, đền bù xong trong giai đoạn 1 và phần còn lại là đất trang trại, diện tích nuôi trồng thủy sản, hoa màu, cây cối, tài sản trên đất sẽ được giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2 vì một số nhà cuối năm nay mới hết hạn thuê đất.

Phân tích về mặt pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, quyền sử dụng đất là một tài sản lớn nên việc chuyển nhượng, bao gồm cả hoạt động đấu giá đất đều phải thực hiện đúng theo các quy định nghiêm ngặt. Tiêu biểu là Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn tại xã Tân Chi”.

Theo tài liệu có trong hồ sơ, tháng 10/2017 UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi các đơn vị về việc giới thiệu địa điểm lập quy hoạch Dự án “Đầu tư xây dựng khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn tại xã Tân Chi”.

Ngay sau đó, UBND huyện Tiên Du có Quyết định phê duyệt hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Theo đó, Dự án đấu giá đất được quy hoạch tại xứ đồng thôn Tư Chi, xã Tân Chi với diện tích hơn 9,7ha, quy mô dân số khoảng 2.000 người.

Đến ngày 30/9/2020, UBND huyện Tiên Du ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án, Quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân để thực hiện dự án đấu giá đất, đồng thời giao nhiệm vụ cho Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND xã Tân Chi thực hiện bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

Xã Tân Chi mượn tiền doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng có đúng quy định?
Xã Tân Chi đã thu hồi được 81.000m2, phần còn lại, xã sẽ thu hồi vào giai đoạn 2 (ảnh: Công Phương).

Căn cứ Khoản 1 Điều 68 Luật Đất đai 2013 quy định: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư”. Do vậy, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, việc UBND xã Tân Chi được coi là “chủ đầu tư” và thực hiện nhiệm vụ bồi thường GPMB là không đúng quy định pháp luật. Hơn hết, căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai quy định về Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì: “Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm...”

Vậy câu hỏi đặt ra, cơ quan, đơn vị nào là nơi có thẩm quyền tổ chức và thực hiện việc tổ chức thực hiện bồi thường trong dự án thu hồi đất trên địa bàn xã Tân Chi? Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai nêu rõ: “Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác…”.

Hơn hết căn cứ Điều 1, Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định về vị trí, chức năng của Trung tâm phát triển quỹ đất như sau: “Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai.”

Như vậy, Luật sư Hoàng Tùng cho hay, Trung tâm phát triển quỹ đất là đơn vị có nhiệm vụ quyền hạn được lập kế hoạc tổ chức thực hiện thu hồi đất, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC.

Với tư cách là chủ đầu tư, UBND xã Tân Chi đã sử dụng nguồn ngân sách xã là 6,1 tỷ đồng. Số tiền này xã thu từ nguồn đất dân cư dịch vụ nhưng chưa sử dụng đến nên xã lấy nguồn đó chi trả cho Nhân dân. Bên cạnh đó, xã còn sử dụng nguồn tiền vay cá nhân của một cá nhân có doanh nghiệp tại địa phương với lãi suất bằng 0 khoảng gần 27 tỷ đồng.

Bình luận về nội dung này, Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, một khi UBND xã không có chức năng, thẩm quyền tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ trong dự án thu hồi đất thì dù cơ quan này sử dụng nguồn ngân sách xã hay nguồn tiền vay cá nhân của doanh nghiệp để trả bồi thường, chi lập hồ sơ bồi thường, chi lập quy hoạch… thì đều không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Còn nếu đúng là UBND xã mượn tiền của doanh nghiệp để chi trả GPMB thì lại càng không đúng quy định vì đây là dự án đầu tư công, phải tuân thủ các quy định liên quan đến đầu tư công (như: có Quyết định phê duyệt dự án; có Kế hoạch chuẩn bị vốn; có theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng và cộng đồng, tổ chức đấu thầu các gói thầu…).

UBND xã mượn tiền cá nhân để giải phóng mặt bằng do mình làm chủ đầu tư UBND xã mượn tiền cá nhân để giải phóng mặt bằng do mình làm chủ đầu tư

UBND xã Tân Chi, Tiên Du đã mượn hàng chục tỷ đồng của cá nhân để giải phóng mặt bằng do mình làm chủ đầu ...

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.